Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045

Thứ tư, 20/03/2019 22:06
(ĐCSVN) - Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045” thảo luận những giải pháp tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng của Việt Nam...

Ngày 20/3, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế  Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Ảnh: VA

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam được phát triển trên nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố ngày càng ổn định. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,08% trong khi tỷ lệ lạm phát ở mức thấp (3,5%), cán cân thương mại đạt thặng dư, bội chi ngân sách và nợ công giảm dần, tỷ giá hối đoái ổn định.

Tuy nhiên, như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (năm 2016): “nhìn chung, mô hình tăng trưởng ở nước ta chậm được đổi mới, về cơ bản vẫn theo mô hình cũ; tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng đầu tư và tăng số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, trong giai đoạn tới đây, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA thế hệ mới đang lan vào từng ngóc ngách của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quản trị vừa tạo ra những cơ hội vừa tạo nên những thách thức cho mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Hội thảo lần này rất có ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh mà chúng ta đang tích cực chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với hai mốc rất quan trọng, tròn 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm lập nước (2045).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có thể thấy, mô hình tăng trưởng và chuyển đổi hình thành rõ nét từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho tới nay. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, mô hình tăng trưởng đã được chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều rộng gắn với chiều sâu, theo đó mở rộng quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả mang tính bền vững; đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được phát triển thêm, nhưng lấy phát triển chiều sâu là hướng chủ đạo và nâng cao tính bền vững, chú trọng cả số lượng và chất lượng.

Đến Hội nghị Trung ương 4 năm 2016, Trung ương Đảng đã nhận diện cụ thể hơn về quan điểm mô hình tăng trưởng lấy hiệu quả làm thước đo năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời huy động phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dần mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu. Theo đó đầu tư xuất khẩu vào thị trường trong nước, chuyển dần gia tăng số lượng đầu vào sản xuất sang tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại Hội nghị Trung ương 5 năm 2017, Trung ương Đảng chú trọng nội dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá chiến lược để thực hiện mô hình tăng trưởng này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hai thành tố đó là phác thảo mô hình chúng ta mong muốn và cái đích chúng ta đạt được là gì? Mô hình tăng trưởng không phải tự nhiên mà có được, thể hiện trong quan điểm của Đảng hay các quan điểm lớn, các vấn đề chính sách lớn, định hướng lớn để đạt được mô hình tăng trưởng. Vì vậy, nói đến mô hình tăng trưởng là nói đến tái cơ cấu nền kinh tế. Hai thành tố này gắn rất chặt với nhau, khi chúng ta hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện, tái cơ cấu phát triển, lúc đó cần chú trọng đến yếu tố vĩ mô và các trọng tâm của tái cơ cấu.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam những thành quả và cả những hạn chế cần phải khắc phục; đồng thời làm rõ những thách thức và cơ hội cho Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong bối cảnh quốc tế đặt ra; những chiến lược, giải pháp cơ bản nhằm hướng tới mô hình tăng trưởng cho giai đoạn tới./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực