Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và những tác động tới nền kinh tế

Thứ sáu, 24/02/2017 15:36
(ĐCSVN) – Qua hơn 25 năm phát triển mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ở nước ta, mặc dù đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả đất nước.

Tuy nhiên, mô hình này hiện không còn mới, kém linh hoạt. Cơ chế, chính sách ưu đãi chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế; bộ máy quản lý với thẩm quyền chưa thống nhất và thủ tục hành chính chưa đủ thông thoáng, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo (Ảnh: Thành Lê)

Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn...

Trong khi đó, nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình  như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển .

Điều quan trọng là các mô hình này tiếp tục được các quốc gia hoàn thiện, phát triển với quy mô lớn hơn và có mức độ tự do, ưu đãi và cạnh tranh cao hơn trên nhiều lĩnh vực nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phương thức phát triển các mô hình này cũng có sự thay đổi bằng cách đàm phán, thỏa thuận và giao cho nhà đầu tư chiến lược có năng lực để xây dựng cơ chế, chính sách, mục tiêu và định hướng phát triển đặc thù, có tính cạnh tranh quốc tế thay cho phương thức Nhà nước tự chủ động xây dựng .

Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách.

Sự cần thiết của xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Theo Bộ Kế hoạch vả Đầu tư, cần thiết phải xây dựng Luật này nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia về xây dựng và phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được Đảng và Quốc hội thông qua. Đồng thời cũng qua đó góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015,  Luật đầu tư năm 2014 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và bổ sung quy định còn thiếu.

Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2014,  Luật Đầu tư năm 2014, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có một số quy định chung về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập và giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, mô hình và nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, nguyên tắc và cách thức quy định áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội và ưu đãi đầu tư khác với quy định chung của Luật đầu tư và các luật khác, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thêm nữa, cũng cần xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng các Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (Đề án). Thực hiện chủ trương này, kể từ năm 2012, các địa phương đã tích cực xây dựng và hoàn thiện các Đề án 2 lần với tên gọi ban đầu là đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và sau đó là đặc khu kinh tế nhưng các đề xuất về cơ chế đặc thù về hành chính và kinh tế không thay đổi ở các Đề án. Cuối cùng, Ban cán sự đảng Chính phủ kiến nghị Bộ Chính trị cho phép thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thuộc tỉnh và Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, các bộ, cơ quan liên quan lập đề nghị xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định (Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 05/12/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016).

Để xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) theo lộ trình thực hiện đã được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị thì cần thiết phải xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong thời gian tới.

Để thực hiện các mục tiêu trên, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc xây dựng những quy phạm pháp luật mới điều chỉnh những quan hệ phát sinh trong thực tiễn tổ chức, hoạt động của mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đồng thời, trên cơ sở hệ thống pháp luật liên quan, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý; hình thành khu vực tăng trưởng cao và phương thức quản lý hiện đại, tạo động lực phát triển vượt bậc, tái cơ cấu kinh tế cho địa phương và cả nước.   

Dự kiến những tác động cụ thể của Luật tới đời sống

Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xây dựng và phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và cạnh tranh quốc tế gay gắt. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày sâu rộng, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán nhiều hiệp định tự do song phương, đa phương với độ mở cao cho thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội cho mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần được xem xét trong mối tương quan và tính cạnh tranh so với các cam kết quốc tế và cơ chế, chính sách dành cho mô hình tương tự của các nước trong khu vực.

Nếu chỉ dựa trên thể chế, cơ chế chính sách hiện hành, nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, việc phát triển mô hình đặc khu hành chính - kinh tế không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư và không đủ nguồn lực thực hiện. Do đó, nếu không có cơ chế, chính sách khuyến khích vượt trội, mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khó có khả năng cạnh tranh để thu hút đầu tư, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bởi thế, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách kinh tế, xã hội đối với mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm đạt được mục tiêu xây dựng khung chính sách ưu đãi vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành, có tính cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và tạo cơ sở pháp lý để thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, tiềm lực, thị trường và công nghệ.

Thêm nữa, việc xây dựng khung cơ chế, chính sách với các ưu đãi vượt trội cho mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ đóng góp cụ thể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng các ngành dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tác động đối với kinh tế thể hiện ở một số chỉ tiêu định lượng khi triển khai mô hình đặc khu. 

Bên cạnh đó, nhóm các cơ chế chính sách vượt trội về ưu đãi thuế (miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt; ưu đãi thuế thu nhập doanh; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân...) được quy định tại Luật sẽ đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, thương mại, du lịch, thu hút nguồn lao động có chất lượng cao đến làm việc tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Do thời gian đầu hoạt động của các dự án lớn thường chưa sinh lợi, việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án vừa là cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, vừa không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách. Các chính sách này được quy định ở mức cạnh tranh tương đồng với các mô hình đặc khu kinh tế tương tự của các quốc gia trong khu vực.  

Ngoài ra, nhóm chính sách về tài chính ngân sách (như: để lại toàn bộ nguồn thu phát sinh trên địa bàn của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong thời gian nhất định và ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu dành cho một số công trình hạ tầng thiết yếu của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) đóng vai trò hỗ trợ ban đầu đối với địa phương và nhà đầu tư chiến lược trong việc xây dựng và quản lý đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Còn nữa, việc thực hiện chính sách bầu trời mở và di chuyển phương tiện vận tải và thể nhân thuận lợi sẽ đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ du lịch, đầu tư, kinh doanh, xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại, làm việc, tham quan của người nước ngoài và người Việt Nam tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đối với các chính sách khác như thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng; thời hạn thuê đất và miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước; thành lập các quỹ tài chính; đào tạo lao động, miễn thị thực, ... được quy định ở mức cạnh tranh so với các mô hình tương tự trong khu vực, tạo độ mở cao cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư, tăng tính chủ động của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và tính "đặc thù" của mô hình này.

Theo tính toán của các địa phương, việc áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội phát triển đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại của các tỉnh xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Hơn nữa, việc thực hiện chính sách ưu đãi này sẽ có những tác động khuyến khích khách du lịch tới mua sắm và tiêu dùng, do đó, có tác dụng thúc đẩy du lịch, thương mại tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đồng thời có tác dụng thu hút các dự án đầu tư và thu hút nguồn nhân lực có trình độ tới đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt làm việc trong giai đoạn đầu phát triển. Từ đó đẩy nhu cầu sử dụng và thuê đất và mặt nước phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà ở tăng cao dẫn đến các khoản thu từ đất sẽ tăng mạnh để bù lại nguồn thu NSNN bị giảm đi do thực hiện các chính sách ưu đãi.

Đồng thời, việc áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ tăng vị thế và vai trò của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín chính trị của nước ta./.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực