Kiên Giang ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu

Thứ ba, 23/05/2017 15:35
Để đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD năm 2020, tỉnh Kiên Giang ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, nâng lên sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu là thế mạnh, lĩnh vực kinh tế chủ lực của Kiên Giang trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh: “Kiên Giang phát triển công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu gắn với mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước. Đồng thời, gắn với vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị để tạo ra những mặt hàng có lợi thế so sánh, khả năng cạnh tranh cao; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh”.

Theo Chủ tịch tỉnh Phạm Vũ Hồng, tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu gạo, thủy sản các loại và những mặt hàng tiềm năng, lợi thế khác. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng, chế biến sâu, hàm lượng công nghệ cao. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại; sản xuất chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang sẽ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng liên kết, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tỉnh tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực; trong đó, ưu tiên các sản phẩm có lợi thế như: lúa gạo, tôm, thủy sản các loại, hồ tiêu, khóm (dứa), chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện sinh thái 4 vùng sản xuất là Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, U Minh Thượng, tiểu vùng đảo và hải đảo.

Cụ thể là hình thành vùng sản xuất lúa quy mô tập trung chuyên canh chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn khoảng 120.000 ha. Phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng theo quy hoạch, tập trung nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên khoảng 8.000 ha, nuôi cá lồng bè vùng biển đảo... Đến năm 2020, tổng sản lượng lúa đạt 5 triệu tấn, khóm 150.000 tấn; đàn gia súc, gia cầm hơn 9 triệu con; sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản 765.000 tấn, trong đó tôm nuôi 80.000 tấn; nâng cao hiệu quả trồng rừng, lựa chọn các loại cây rừng có nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, sản xuất đồ gỗ.

Tiếp đến, tỉnh cũng phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Trong đó, xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (Hà Tiên) và Xẻo Rô (An Biên) để triển khai thực hiện những dự án đã cấp phép đầu tư; đầu tư Trung tâm nghề cá Kiên Giang, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông như: Đường hành lang ven biển phía Nam (đoạn Hà Tiên - Rạch Giá), đường Hồ Chí Minh (đoạn Lộ Tẻ - Rạch Giá), Quốc lộ 63... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoạt động thu mua, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.

Cùng với đó, tỉnh hình thành các nguồn vốn tín dụng ưu đãi lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp chế biến nông sản thực hiện đầu tư mới dự án; đầu tư đổi mới công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tỉnh đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính và hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.

Trên lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ và môi trường, tỉnh chú trọng cải tiến, đổi mới, phát triển, nâng cao trình độ công nghệ; đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tỉnh sẽ lựa chọn, áp dụng công nghệ tiên tiến, không sử dụng công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, suất tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu cao.

Kiên Giang sẽ tăng cường liên doanh, liên kết xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; cung cấp, cập nhật thông tin về thị trường, cơ chế chính sách biên mậu; hướng dẫn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia trong tỉnh để đảm bảo ổn định và phòng tránh rủi ro trong hoạt động thương mại biên giới.

Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, trên cơ sở đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành chế biến xuất khẩu đạt 48.963 tỷ đồng, chiếm 80,21% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp; kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, gồm: 1 triệu tấn gạo, hơn 45.600 tấn thủy sản các loại, gỗ MDF 16.800 m³, giày da 13,2 triệu đôi và một số sản phẩm hàng hóa khác./.

Lê Huy Hải/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực