Khai thác tối đa lợi thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020

Thứ hai, 12/11/2018 17:46
(ĐCSVN) - Thống kê cho thấy, có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực gồm 12 doanh nghiệp lĩnh vực trồng trọt, 19 doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản và 09 doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi.

Sau hơn 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 36,37 tỷ USD, Năm 2018, nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam đã xuất hiện tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Kết quả đáng ghi nhận

Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các CNC đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất, thúc đẩy xây dựng thêm các vùng nông nghiệp.

Cụ thể, công nghệ tự động, bán tự động đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đối với cây rau: doanh thu từ 2,5-9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 1,6-4,9 tỷ đồng/ha, đối với cây hoa: doanh thu từ 0,5-9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 0,3-5,4 tỷ đồng/ha; nuôi tôm thẻ chân trắng: năng suất 40 tấn/ha gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ; sản xuất bò sữa: năng suất sữa đạt trên 30 lít/bò/ngày, chất lượng tốt…

Cùng với đó, công nghệ sinh học cũng giúp chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao chất lượng tốt, sức chống chịu cao. Đáng chú ý, công nghệ nhân giống in vitro (in vitro propagation) được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống cây lâm nghiệp, cây hoa, cây chuối… giúp giảm giá thành, tạo ra lô cây giống có độ đồng cao, sạch bệnh.

SmartAgri là hệ thống phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, từ giai đoạn ươm mầm,
xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn. (Nguồn ảnh: Phan Tuấn/Dân trí)

Căn cứ Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015, hiện cả nước có 05 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC thâm canh tôm, hoa, lúa được 04 địa phương công nhận gồm: Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, và An Giang.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 03 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Hồ sơ của tỉnh Lâm Đồng đã được thẩm định, tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở Quyết định 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010, thống kê cho thấy hiện có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực gồm 12 doanh nghiệp lĩnh vực trồng trọt, 19 doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản và 09 doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi.

 Nhằm tăng quyền cho địa phương, Bộ cũng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018 quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC (thay thế Quyết định 69/2010/QĐ-TTg), giao thẩm quyền cho UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và hủy bỏ Thông tư 50/2011/TT-BNNPTNT ngày 15/7/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vai trò của tài chính, tín dụng ưu đãi

Chính phủ đã chỉ đạo triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng (Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017) phục vụ phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 5/2018, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch ước đạt 40.000 tỷ đồng với 14.723 khách hàng đang có dư nợ và 14 ngân hàng thương mại tham gia. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm. Ứng dụng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm trên quy mô lớn.

Thực tế đã chứng minh nhiều mô hình, dự án có hiệu quả kinh tế cao như: rau hoa cao cấp, tôm, bò sữa, lợn, gà tại Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nghệ An...

Trồng dưa lưới với mô hình Autopot tại nhà dân ở thành phố Hồ Chí Minh
(Ảnh: autopot.hoptri.com)

Tập trung sản phẩm chủ lực quốc gia 

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng thừa nhận liên kết giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân còn yếu và thiếu bền vững. Số lượng doanh nghiệp còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi các hộ dân thiếu thông tin đầy đủ về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và xuất khẩu, thì công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập.

Nhận thức của một số địa phương về khu và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC chưa đúng theo Luật Công nghệ cao và Luật Đất đai, thậm chí chạy đua trong việc xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC trong khi nguồn lực có hạn, trông chờ chủ yếu vào ngân sách Trung ương.

Trong thời gian tới, các địa phương cần khai thác tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, nguồn lực và đặc điểm kinh tế-xã hội để phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020 (Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010).

Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; khuyến khích tổ chức sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia gắn với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GAP, HACCP, ISO 22000...). theo đúng tinh thần Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực