Huế tập trung phát triển du lịch thông minh và bền vững

Thứ năm, 19/09/2019 11:29
(ĐCSVN) - Với chủ đề “Phát triển du lịch Huế thông minh và bền vững”, diễn đàn du lịch Huế 2019 diễn ra ngày 18/9 đã ghi nhận nhiều ý kiến hay, giải pháp khả thi nhằm giúp Thừa Thiên Huế cụ thể hóa các mục tiêu phát triển du lịch.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, với những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng đang đối mặt với những cơ hội lớn và cả những thách thức không nhỏ, yêu cầu phải có những chuyển đổi đột phá, kịp thời, mang tính sáng tạo phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị, doanh nghiệp ký hợp tác đầu tư triển khai các dự án phát triển du lịch thông minh. (Ảnh: Thế Phong)

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và nhất là sự góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhóm cộng đồng người dân để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai “Hệ sinh thái du lịch thông minh” - một hợp phần quan trọng bậc nhất trong “Đô thị thông minh” mà Huế đang triển khai.

Trong khi đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng vấn đề đặt ra cho Thừa Thiên Huế lúc này là phải xây dựng “Hệ sinh thái du lịch thông minh” và giải quyết được các yếu tố cơ bản như xây dựng điểm đến thông minh, tạo nên sự trải nghiệm thông minh và hỗ trợ cho công tác quản lý, kinh doanh thông minh; trong đó, lấy người dân, du khách làm trung tâm và đặc biệt là phải có sự tương tác kịp thời giữa ba bên: nhà quản lý, đơn vị kinh doanh và du khách. Nếu giải quyết được các vấn đề trên, sẽ tạo cơ hội cho ngành du lịch tỉnh nhà vươn xa, cạnh tranh với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực.

Tiện ích của du lịch thông minh là cực kỳ lớn, song sẽ làm giảm số lượng lao động, không hiệu quả khi nhiều ngành khác không phát triển mảng công nghệ tương ứng. Do vậy, phát triển du lịch thông minh cần có lộ trình và đề án triển khai phù hợp.

Dù đã có khá nhiều dịch vụ mới, tuy nhiên, các dịch vụ tại Huế chủ yếu mang tính công nghệ, chưa thể xem đó là thông minh. Các ứng dụng đang ở dạng “tự thân vận động”, nhỏ lẻ, thiếu một hệ thống thông minh kết nối được cơ quan quản lý, doanh nghiệp, du khách và cộng đồng người dân để có thể tạo thành chuỗi sản phẩm, cung ứng liên hoàn.

Để cơ bản giải quyết vấn đề này, Thừa Thiên Huế cần có nguồn lực để đầu tư hạ tầng, yếu tố tiên quyết cho nền tảng phát triển du lịch thông minh gồm chủ máy, máy trạm, đường truyền tốc độ cao, phủ sóng wifi, hệ thống dữ liệu được số hóa bằng công nghệ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có thể sáng tạo, liên kết và tương tác với công nghệ, tăng cường hợp tác công tư, “môi trường mở” với những quyền lợi rõ ràng khi xã hội hóa…

Một số giải pháp có thể ứng dụng ngay là xây dựng cơ sở dữ liệu số về các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Huế, xây dựng phần mềm dành cho người dùng như cổng thông tin điện tử về du lịch, app du lịch…, lập bản đồ 3D về di sản văn hoá Huế vừa phục vụ cho người dùng vừa phục vụ công tác quảng bá du lịch; xây dựng các phần mềm quản lý và cơ sở hạ tầng thiết bị, trung tâm điều hành du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh như xe điện, hệ thống xe đạp thông minh, hệ thống đỗ xe thông minh…

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế là trong số các địa phương có những bước “chuyển động” mạnh và nhanh chóng để cùng với cả nước xây dựng mục tiêu điểm đến thông minh.

“Đối với Huế, du lịch thông minh cần gắn với trọng tâm là phát huy giá trị di sản đặc sắc của quần thể di tích Cố đô, thu hút du khách bởi giá trị và vẻ đẹp bất tận, giàu chiều sâu văn hóa trong cảnh đẹp nên thơ, hữu tình của Huế, đồng thời, kết hợp để du khách say mê khi trải nghiệm tại điểm đến với những ứng dụng, công nghệ đổi mới, sáng tạo”, ông Khánh phân tích.

Tại diễn đàn, một số doanh nghiệp hàng đầu trong nước có kinh nghiệm phát triển du lịch trên nền tảng công nghệ số đã ký hợp tác với ngành du lịch Thừa Thiên Huế.

Định hướng của Thừa Thiên Huế về phát triển du lịch thông minh:

Năm 2019: cung cấp dịch vụ thông tin du lịch, thông tin các dịch vụ bổ trợ du lịch, công cụ kết nối doanh nghiệp dịch vụ, sản phẩm.

Năm 2020: cung cấp một số dịch vụ du lịch cơ bản, dịch vụ thanh toán điện tử liên kết, liên kết các dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác.

Sau năm 2020: hoàn thiện “Hệ sinh thái du lịch thông minh”, hoàn thành nền kinh tế số chia sẻ trong lĩnh vực du lịch. 

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực