Hiệu quả từ phát triển cây na tại Đông Triều (Quảng Ninh)

Thứ năm, 17/08/2017 23:14
(ĐCSVN) - Những năm qua, với gần 1.000 ha trồng na tập trung đã có hành trăm gia đình ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vươn lên thoát nghèo. Phát triển cây na không chỉ giúp khai thác tốt các lợi thế của địa phương mà còn trở thành một trong những loại cây mũi nhọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở Đông Triều...
Thu hoạch na ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Ảnh TT

Tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Khoảng gần một tháng nay, các hộ trồng na ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đang bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch na. Nhiều loại xe tải thu mua na ra vào tấp nập tại các xã chuyên canh na như An Sinh, Việt Dân, Tân Việt... Năm nay, sản phẩm na dai Đông Triều vừa được mùa, vừa được giá. Với tổng diện tích trồng na tập trung trên 900 ha, dự kiến sản lượng na của các xã ở Đông Triều năm nay đạt khoảng gần 12 nghìn tấn. Với giá thu mua tại vườn từ 25 - 30 nghìn đồng/kg na loại 1, nhiều nhà vườn trồng na sẽ có thu nhập đến cả tỷ đồng từ tiền bán na.

Có được những kết quả nói trên chính là nhờ người trồng na ở thị xã Đông Triều đã tích cực tìm tòi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây na. Hàng năm, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã cùng với Trạm Khuyến nông của thị xã thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật cho người trồng na. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng các cách làm hay, hiệu quả đã từng bước được nhân rộng nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng na Đông Triều. Nhờ đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật như tuốt là, tỉa cành.... đặc biệt là phương pháp “thụ phấn chủ động” cho cây na nên năng suất và hiệu quả kinh tế thu được cây na đều tăng qua các năm. Đến nay, trung bình giá trị kinh tế cây na mang lại cho nông dân Đông Triều đang dao động trong khoảng từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm.

Là một trong những hộ đi đầu về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển cây na, gia đình anh Nguyễn Văn Tân ở thôn Đông Khê Thượng, xã Việt Dân hiện có trên 1 ha chuyên canh với gần 1.100 cây na các loại. Dự kiến năm nay sản lượng na của vườn nhà anh Tân đạt khoảng 30 tấn; sau khi trừ chi phí, với giá thu mua ổn định như hiện nay, anh Tân và gia đình cũng thu về trên dưới 300 triệu đồng. Vừa nhanh tay xếp na vào thùng xốp để chuẩn bị cho thương lái đến nhập na, anh Nguyễn Văn Tân vừa vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi trồng na từ nhiều năm nay, nhưng trước đây do chăm sóc theo cách truyền thống nên năng suất na thường thấp. Nay nhờ chủ động thụ phấn khi na ra hoa và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nên năng suất, hiệu quả kinh tế của cây na đã tăng gấp 2 - 3 lần. Dự kiến, tôi và gia đình chú em sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng na”.

Niềm vui được mùa na của người dân xã Việt Dân. Ảnh TT

Thiết thực giúp người dân nâng cao thu nhập

Là địa phương có diện tích trồng na tập trung nhiều nhất thị xã Đông Triều, cây na được đưa vào trồng ở vùng đồi An Sinh từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Từ một vài hộ trồng na, đến nay xã An Sinh đang có khoảng 740 ha na trồng tập trung. Cây na được trồng tập trung tại hầu hết các thôn ở xã An Sinh. Ước tính năng suất trung bình của cây na ở xã An Sinh là khoảng 12 – 15 tấn/ha. Cây na được coi là cây trồng mũi nhọn hàng đầu của xã, đã giúp hàng trăm hộ giàu lên. Đặc biệt, quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã An Sinh, cấp uỷ, chính quyền đã tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển “vườn na mẫu” gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đến nay, đại đa số các hộ trồng na trên địa bàn xã đã làm tốt việc trồng, chăm sóc và quy hoạch tập trung; kết hợp với bảo đảm tươi tiêu, thoát nước cho cây na. Phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên nhìn chung sản phẩm na An Sinh luôn được thị trường ưa chuộng.

Được biết, tính chung trên toàn thị xã Đông Triều, do chú trọng bảo đảm chất lượng đầu ra của sản phẩm nông nghiệp nên từ nhiều năm nay, na Đông Triều không còn tình trạng bị ế ẩm, nông dân không phải lo về đầu ra. Năng suất và giá thành thu mua có thể thay đổi ít nhiều theo từng vụ na nhưng trái na thu hái đến đâu đều được các thương lái tìm đến tận vườn và thu mua hết đến đó. Trong đó, thường xuyên có khoảng 90% sản lượng na được tiêu thụ tại các thị trường Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...

Anh Trần Văn Thành, một tiểu thương ở Hà Nội có nhiều năm thu mua na ở Đông Triều cho biết: “Sản phẩm na, nhất là na dai Đông Triều rất được người tiêu dùng thủ đô ưa chuộng bởi có vị ngọt, mát đậm đà, đặc trưng. Hàng năm, ngay từ đầu vụ tôi đều tìm về tận vườn và ký hợp đồng bao tiêu chọn gói, người dân chỉ việc chăm sóc để vào vụ thu hoạch, vườn na có năng suất, sản lượng cao”.

Có thể thấy, cây na đã và đang phát huy tốt vai trò của loại cây mũi nhọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở Đông Triều; giúp nhiều hộ nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã Đông Triều xuống 1,95% theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Tuy nhiên, việc phát triển cây na tại một số xã cũng đang tồn tại một số bất cập như: các nhà vườn ít quan tâm đến chất lượng quả do thương lái đặt mua cả vườn từ đầu vụ; một số hộ tự phát ươm hạt nhân giống na dẫn đến nguy cơ thoái hóa giống... Trước tình hình đó, cùng với việc tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu “Na Đồng Triều”, thời gian tới các cơ quan, ban, ngành ở Đông Triều, trực tiếp là Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng việc phát triển các vùng trồng na tập trung; đồng thời tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây na.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tin tưởng cây na ở Đông Triều sẽ sớm hình thành các vùng trồng na tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá để cây na có được những bước phát triển mới về cả sản lượng, chất lượng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Nguyễn Thị Thu Thủy (CTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực