Hiến kế cho Hà Nội nhằm cải thiện Chỉ số PAPI

Thứ ba, 23/07/2019 20:52
(ĐCSVN) - Quan điểm của lãnh đạo TP Hà Nội là lắng nghe, cầu thị; mong muốn các đại biểu Hội thảo nói thẳng, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và hoan nghênh hiến kế cho TP nhằm cải thiện Chỉ số PAPI trong thời gian tới.

Ngày 23/7, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học Cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, qua hơn 30 năm Đổi mới, Hà Nội đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh, năng động của khu vực và thế giới, là điểm đến thân thiện, nơi kinh doanh thành công của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước bởi những tiềm năng và lợi thế riêng có.

Vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế. Năm 2018 vừa qua, các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh đều được cải thiện rõ nét: Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) duy trì xếp hạng cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) 29/63, tăng 16 bậc so với năm 2017; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 9/63, tăng 4 bậc so với năm 2017; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được cải thiện qua mỗi năm (năm 2016: 58/63; năm 2017: 55/63; năm 2018: 53/63).


Hội thảo khoa học Cải thiện, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, Chỉ số PAPI Hà Nội là vấn đề đang được các cấp, các ngành hết sức quan tâm. Vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu làm sáng tỏ những vấn đề về mặt lý luận, thực tiễn về Chỉ số PAPI của Hà Nội trong những năm qua; đồng thời đưa ra các quan điểm, ý tưởng, giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI trong những năm tiếp theo. Quan điểm của lãnh đạo TP là lắng nghe, cầu thị; mong muốn các đại biểu Hội thảo nói thẳng, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và hoan nghênh hiến kế cho TP nhằm cải thiện Chỉ số PAPI trong thời gian tới.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ TP Nguyễn Đình Hoa hiện, trong nhiều phương pháp, công cụ đo lường đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, PAPI được xem là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.

TP Hà Nội xem Chỉ số PAPI là công cụ giúp theo dõi và giám sát hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền TP. Chỉ số PAPI đã và đang tạo động lực để lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ công với mục tiêu phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Phân tích Chỉ số PAPI của Hà Nội, Ths Đỗ Thị Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích UNDP Việt Nam cho trong các chỉ số nội dung Hà Nội thuộc nhóm thấp, có những nội dung thành phần và một số chỉ tiêu Hà Nội “kéo” điểm xuống.

Trong đó, ở “trách nhiệm giải trình với người dân” (4,61 điểm), người dân đánh giá việc cán bộ giải quyết khúc mắc của họ tỷ lệ ngày càng thấp hơn khi lên chính quyền cấp cao hơn (từ xã, phường lên quận, huyện) rồi “quản trị môi trường” (Hà Nội thuộc nhóm điểm thấp: 3,58 điểm), người dân không đánh giá cao chất lượng nguồn nước.

Đáng lưu ý, mặc dù nội dung “Quản trị điện tử” của Hà Nội được người dân đánh giá cao (3,23 điểm) nhưng tỷ lệ người cho biết đã lấy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ cổng thông tin điện tử của TP khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp (1,32%); trong khi có tới 56,1%% người dân có kết nối Internet tại nhà.

Người dân kỳ vọng TP sẽ triển khai mạnh mẽ quản trị điện tử để có thể tương tác trực tuyến với chính quyền khi cần thông tin chính sách hoặc sử dụng dịch vụ công điện tử. Để làm được điều đó, TP cần xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở tất cả các cấp; đồng thời đổi mới trong tư duy cán bộ, công chức trong thời gian tới, bà Huyền khuyến nghị.

TS Bùi Phương Đình, Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu ý kiến tại Hội thảo

TS Bùi Phương Đình, Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, khó khăn lớn nhất của Hà Nội trong việc cải thiện Chỉ số PAPI đó là PAPI đánh giá qua dân cư trú nhưng Hà Nội có luồng dân di cư mạnh mẽ. Hà Nội không nên lo ngại về vị trí, cần tập trung cải thiện thực chất hiệu quả quản trị cấp tỉnh chứ không nên cải thiện chỉ số điểm, bởi như vậy sẽ rất dễ rơi vào bệnh thành tích, mà không có được kết quả thực chất.

TS Bùi Phương Đình đề xuất nên đưa cán bộ, công chức, viên chức vào một bộ chỉ số đánh giá để tạo cho họ động lực cạnh tranh, phải hướng vào động lực hành động của cán bộ chứ không nên ép chỉ tiêu nhiệm vụ từ trên xuống. Bên cạnh đó, việc rèn luyện kỹ năng làm việc cho cán bộ gắn với thực tiễn và tập trung hướng về cơ sở là vô cùng quan trọng.

TS Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về Chỉ số PAPI cho cán bộ, công chức các cơ quan thuộc các cấp của chính quyền TP. Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với chính quyền cơ sở về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ.

Tiếp cận ở góc độ có khoảng 70% số lượt thực hiện thủ tục hành chính của người dân diễn ra ở cấp xã, phường; 30% còn lại diễn ra ở cấp quận huyện, mặc dù tỷ lệ số thủ tục hành chính ở cấp quận, huyện là lớn hơn nhiều so với cấp phường, xã, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng Hà Nội cần tập trung đột phá vào cấp xã, phường để cải thiện chỉ số PAPI./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực