Hà Giang: Khởi sắc sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ​

Thứ năm, 19/07/2018 10:50
(ĐCSVN) - Sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (từ tháng 6/2015 – tháng 6/2018) trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Hà Giang đã có nhiều khởi sắc mới.


Phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa là một trong các chương trình nông nghiệp trọng tâm
trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Giang. Ảnh: VP

Nhằm tiếp tục thực hiện triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, trong năm 2018, tỉnh Hà Giang tập trung đẩy mạnh phát triển cam, chè theo hướng an toàn VietGAP và tập trung phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò và đàn ong (chủ yếu là ong mật bạc hà tại 4 huyện Cao nguyên đá). Đến nay, ngành Nông nghiệp của Hà Giang đang hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng an toàn và không ngừng nâng cao giá trị. Cụ thể, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác cây hàng năm đạt trên 43 triệu đồng/ha (tăng 1,7 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2017); tỷ trọng trong lĩnh vực chăn nuôi đạt trên 28,4%, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2016 (là năm bắt đầu triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp).

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của Hà Giang đã chiếm trên 30,86% trong cơ cấu nền kinh tế, đạt trên 93% so với mục tiêu của Đề án; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp chiếm 28,4%; giá trị thu nhập đạt 43 triệu đồng/ha đất canh tác; sản lượng cây có hạt cả năm 2017 đạt 397.832 tấn, đạt gần 95% mục tiêu của Đề án; tính đến ngày 20/6/2018, đã giải ngân được gần 518,5 tỷ đồng cho 5.996 hộ vay vốn nhằm mở rộng chăn nuôi theo Nghị quyết 209 và Nghị quyết 86 của Hội đồng nhân dân tỉnh; các hình thức tổ chức lại sản xuất tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả; khoa học công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao; có trên 3.749 ha chè và 3.995 ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt trên 123% so với kế hoạch; phát triển được 836 gia trại chăn nuôi trâu, bò hàng hóa với tổng đàn đạt 275.757 con; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt đạt trên 76%, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016 (là năm đầu tiên thực hiện Đề án).

Ngoài ra, trong năm 2017, một số sản phẩm trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Giang đã có thị trường tiêu thụ ổn định và được sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Bên cạnh đó, trong năm 2017, Hà Giang đã xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Cam sành, mật ong bạc hà Mèo Vạc; hồng không hạt Quản Bạ; riêng các sản phẩm gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần và chè Shan tuyết đang được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) xem xét để cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Đối với sản phẩm cam sành và mật ong bạc hà đã có tem truy xuất nguồn gốc.

Tỉnh Hà Giang đã đặt ra mục tiêu phấn đấu và hoàn thành thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh đến cuối năm 2017 là 23 xã/195 xã, phường, thị trấn. Cũng trong năm 2017, Hà Giang đã huy động được 163.658 m2 đất và đóng góp được 106.535 ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới; phân bổ nguồn vốn và gần 48.000 tấn xi măng trong Đề án “Một triệu tấn xi măng” phục vụ xây dựng nông thôn mới, tương đương trên 62 tỷ đồng. Nhờ đó, đã nâng cấp, làm mới được trên 395 km đường giao thông nông thôn; làm mới, cải tạo, nâng cấp 127 phòng học; xây mới 28 Nhà văn hóa thôn, bản…

Từ những thành công bước đầu, trong năm 2018, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đó là xã Linh Hồ, xã Kim Thạch (huyện Vị Xuyên), xã Tân Trịnh (huyện Quang Bình), xã Yên Định (huyện Bắc Mê), xã Vĩnh Hảo, Việt Vinh (huyện Bắc Quang), xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ), xã Xín Mần (huyện Xín Mần) và xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn).

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Đối với các chương trình nông nghiệp trọng tâm và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khi triển khai thực hiện phải tập trung tranh thủ các nguồn lực và gắn với các chính sách. Các địa phương, các ngành cần rà soát, đánh giá cụ thể các chương trình, đề án đang thực hiện để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra; triển khai hoàn thành chỉ tiêu quy tụ dân cư năm 2018 và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình nông nghiệp trọng tâm của tỉnh./.

Phạm Văn Phú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực