Gỡ khó cho doanh nghiệp khi Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang

Thứ hai, 16/09/2019 21:11
(ĐCSVN) - Từ đầu tháng 9/2019, do quy định hạn chế nhập khẩu từ Ấn Độ - thị trường nhập khẩu hương nhang chủ lực của Việt Nam, hàng trăm doanh nghiệp hương nhang xuất khẩu của Việt Nam lâm vào tình trạng khó khăn, tồn kho hàng chục tỷ đồng.
Buổi họp tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang. (Ảnh:M.P)

Trước những khó khăn của doanh nghiệp hương nhang Việt Nam, chiều 16/9, tại cuộc họp tìm kiếm giải pháp ứng phó trước quy định hạn chế nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ do Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) tổ chức, đại diện một số cơ quan chức năng Việt Nam đã lên tiếng khẳng định sẽ quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ khó khăn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hương nhang, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 khoảng 76 triệu USD/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 70-100 triệu USD/năm. Thị trường xuất khẩu chính của hương nhang Việt Nam là Ấn Độ, sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô.

Tuy nhiên, ngày 31/8/2019, Bộ Công Thương Ấn Độ ra thông báo thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ nhập khẩu thông thường sang nhập khẩu hạn chế. Theo đó, việc nhập khẩu phải xin phép và được một Ủy ban liên Bộ xem xét cấp phép theo từng lô hàng. Thông báo này có hiệu lực ngay từ ngày ký, không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.

Theo các doanh nghiệp, 90% giá trị nhập khẩu sản phẩm hương nhang thô của Ấn Độ là từ Việt Nam, nên Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất và gần như duy nhất từ biện pháp này của Ấn Độ.

Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam, theo nhìn nhận của các đại biểu tham dự buổi họp các nhà nhập khẩu Ấn Độ cũng đang “than” vì quy định này khiến họ không có hàng để cung ứng ra thị trường, phải mua nguyên liệu giá đắt trong nước để sản xuất, nhất là khi mùa cao điểm đang đến gần. Tuy nhiên, cũng như Việt Nam, các doanh nghiệp này đã kiến nghị lên Chính phủ Ấn Độ nhưng cũng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập phân tích, quy định mới của Ấn Độ hoàn toàn chưa có căn cứ, cả trong các quy định của Hiệp định thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Ấn Độ (AIFTA). Vì thế, hệ quả của việc này là nếu không cẩn thận, biện pháp hạn chế sẽ là cái cớ để cấm nhập khẩu hoàn toàn hương nhang của Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước thì mặt hàng hương nhang là rất nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn khi đây là những doanh nghiệp ở nông thôn, nguyên liệu đơn giản, thậm chí là phế phẩm của ngành khác nhưng đem lại giá trị cao. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng khác làm việc với phía Ấn Độ, phương châm là quyết liệt để phía bạn hiểu rằng, Việt Nam không chấp nhận cách hành xử như vậy dù là mặt hàng nhỏ.

Hiện Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có công thư gửi Bộ Công Thương Ấn Độ, trong đó đề nghị tất cả hợp đồng đã ký trước 31/8 phải được tiếp tục thông quan, tạm ngưng yêu cầu cấp phép đến sau tháng 10/2019 để có thời gian trì hoãn cho DN 2 nước xử lý, nhưng vẫn mong muốn phía Ấn Độ xem xét bãi bỏ quy định này.

Cùng với những biện pháp từ cơ quan nhà nước, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp hương nhang cũng phải tự “lớn” hơn, phải hiểu rằng kinh doanh quốc tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có thể gặp các biện pháp bảo hộ bất cứ lúc nào nên phải chuẩn bị các phương án dự phòng, đối phó. Đặc biệt, ông Hải khuyến nghị các doanh nghiệp hương nhang nên bắt tay thành lập hiệp hội ngành nghề với sự tham gia của các doanh nghiệp, hộ sản xuất nhằm tạo thành cầu nối chia sẻ thông tin, tập hợp thành tiếng nói, sức mạnh lớn hơn./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực