Giáo sư Đặng Hùng Võ: Doanh nghiệp và nông dân phải giữ “chữ tín”

Thứ tư, 22/03/2017 15:29
(ĐCSVN) – “Trong mọi mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, chính quyền địa phương chỉ nên đóng vai trò trợ giúp, tạo môi trường hợp tác thuận lợi, không được can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, nhất là không được đứng về phía nhóm lợi ích của doanh nghiệp”.

Con đường tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam (Bài 1: Ngữ cảnh và những bài học kinh nghiệm)

Con đường tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam (Bài 2: Động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp)

Bài 3: Mô hình quan hệ sản xuất nông nghiệp nào là phù hợp?

Đó là lời của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phóng viên (P.V): Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Như vậy chủ trương lớn đã được khơi thông, thưa Giáo sư ?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Đúng vậy! Tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là việc cần làm để nền nông nghiệp nước ta không bị tụt hậu, cạnh tranh được với xu thế hội nhập quốc tế. Chủ trương đã có, vấn đề cần thực hiện ngay là xây dựng cơ chế, chính sách và khung pháp luật thật khoa học, đồng bộ, thực tiễn, không có khoảng trống, tất cả vì sự phát triển.

Ở đây chúng ta cần thấy rõ một điểm rất quan trọng là trước đây đặt ra chính sách hạn điền để làm gì, và nay mở rộng hay xóa bỏ thì phải thay vào đó bằng chính sách gì. Tất nhiên, mọi người đều biết rất rõ rằng chính sách hạn điền đã được đặt ra nhằm mục đích tạo công bằng trong tiếp cận đất nông nghiệp phục vụ sản xuất, không thể để hình thành một tầng lớp “địa chủ mới” thực hiện tích tụ đất đai, nhưng không tổ chức trực tiếp sản xuất mà chỉ phát canh thu tô. Vậy thì khi mở rộng hay xóa bỏ hạn điền, phải đưa ra được các chính sách khác nhằm ngăn chặn tình trạng tích tụ đất đai để phát canh thu tô.  

4 mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân

P.V: Thưa Giáo sư, khi tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền, người nông dân sẽ hợp tác với ai để chia sẻ được lợi ích?

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Tất nhiên có nhiều cách để phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở áp dụng công nghệ cao. Mô hình nào là phù hợp phụ thuộc chủ yếu vào trình độ của các hộ nông dân. Hiện nay, ở nhiều địa phương đã có khá nhiều hộ nông dân có trình độ, có tri thức đã tự thành lập các trang trại quy mô rất lớn, tự tổ chức sản xuất. Mô hình nhóm hộ nông dân tiên tiến thành lập các hợp tác xã kiểu mới tập trung chỉ vào khâu đổi mới công nghệ giúp cho đổi mới quy trình sản xuất cho tất cả các hộ thành viên cũng đã xuất hiện ở nhiều địa phương.

Vấn đề đặt ra là mô hình nào phù hợp đối với các hộ nông dân nhỏ, thiếu năng lực, khó có thể tự mình tiếp cận quy trình sản xuất quy mô lớn. Lúc này, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp nông nghiệp và các hộ nông dân nhỏ có thể được xây dựng dựa trên các cơ chế kể cả “tập trung” và “tích tụ” đất đai. Ưu điểm của quan hệ sản xuất này là nông dân có đất và lao động, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn và công nghệ; nông dân vẫn sản xuất ra nông sản và doanh nghiệp tạo được giá trị gia tăng trên các nông sản đó.

Qua thử nghiệm mô hình ở nhiều địa phương, có thể khái quát lại một số mô hình hợp tác doanh nghiệp - nông dân bao gồm các dạng như điểm lại dưới đây.

Mô hình thứ nhất: Doanh nghiệp thuê đất của hộ nông dân và thuê lao động là các hộ nông dân đó. Hộ nông dân được hưởng tiền cho thuê đất, được trả công thuê lao động, có thu nhập cao hơn do mình tự sản xuất theo phương thức truyền thống. Tất nhiên, thu nhập không thể vượt cao hơn nữa do tính chất lợi nhuận cố định từ quan hệ thuê tư liệu sản xuất và sức lao động.

Mô hình thứ hai: Mô hình doanh nghiệp và cộng đồng các hộ nông dân nhỏ hợp tác sản xuất. Người nông dân có đất đai, doanh nghiệp có vốn đầu tư và khả năng công nghệ. Người nông dân thu lợi từ nông sản do mình làm ra trên đất, doanh nghiệp thu lợi từ cung cấp dịch vụ để tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản và phụ trách bao tiêu sản phẩm trên thị trường. Quá trình hạch toán lỗ, lãi cũng dễ dàng do các công đoạn sản xuất và bán sản phẩm khá tách biệt. Ai cũng cảm thấy hài lòng về lợi ích thu được nếu cơ chế chia sẻ lợi ích là hợp lý và minh bạch, không ai cảm thấy bị bóc lột hay bị cướp tài sản. Đó chính là nền tảng của mối liên kết bền vững.

Mô hình này đã được thử nghiệm khá thành công tại tỉnh Lâm Đồng, đã đưa thu nhập sản xuất nông nghiệp trên 1 ha lên mức tới 1 tỷ đồng mỗi năm. Theo mô hình này, người nông dân luôn có khả năng tăng được thu nhập trong quá trình hợp tác với doanh nghiệp khi hiệu suất và hiệu quả sản xuất ngày càng cao.

Mô hình thứ ba: Doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình nông dân để hợp tác sản xuất, hai bên cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro. Mô hình này sự thực chưa phù hợp với trình độ của các hộ nông dân hiện nay, khó có thể tham gia kiểm soát lỗ, lãi do doanh nghiệp kinh doanh, dễ dẫn tới đổ vỡ quan hệ hai bên.

Ví dụ như tại mô hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại dự án Cao su Sơn La, hiện nay đang trong giai đoạn 7 năm kiến thiết cơ bản. Người nông dân chăm sóc cao su và nhận tiền thuê lao động từ doanh nghiệp. Hết giai đoạn kiến thiết cơ bản thì kinh doanh có thể thành công hoặc thất bại, phụ thuộc vào giá cao su trên thị trường. Bên cạnh đó, lỗ lãi thực là bao nhiêu sẽ được hạch toán như thế nào để nông dân đã góp vốn có thể giám sát được nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Mối quan hệ góp vốn để kinh doanh chung giữa doanh nghiệp và nông dân có biểu hiện thiếu cơ sở “chữ tín” để tạo nên bền vững.

Mô hình thứ tư: Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất đai từ những nông dân không có nhu cầu sử dụng đất để tích tụ đất đai như tài sản của doanh nghiệp. Sự thực, đây không thể gọi là mô hình vì người nông dân bị loại khỏi cuộc chơi sau khi đồng ý chuyển nhượng đất sản xuất cho doanh nghiệp. Diễn biến này cần được nghiên cứu để tránh đi các biểu hiện xấu dưới dạng người nông dân bị bần cùng hóa mà phải bán đất.

Trong 4 mô hình trên, mô hình thứ hai là mô hình phù hợp nhất, tạo được lợi thế cho các hộ nông dân nhỏ. Sau đó là mô hình thứ nhất, tạo được ổn định thu nhập cho các hộ nông dân nhỏ. Mô hình thứ ba chỉ có thể áp dụng trong trường hợp các hộ nông dân đã có tri thức nhất định về quản lý sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, mô hình thứ tư cần tới những chính sách cụ thể để giám sát quá trình tích tụ đất đai theo cơ chế thị trường nhằm bảo vệ những hộ nông dân nghèo. 

Giáo sư Đặng Hùng Võ. ( Ảnh: Vũ Hoàng).

Giữ “chữ tín” và bảo vệ người yếu thế!

P.V: Lý thuyết là thế, nhưng thực tế đã chứng minh, dường như người nông dân vẫn ở vị thế “cửa dưới” khi hợp tác với doanh nghiệp. Nếu không xác lập chữ "tín" trong kinh doanh, nguy cơ tất cả đều thua, thưa Giáo sư?  

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã bắt đầu từ khá lâu rồi, không phải là phát kiến mới, nhưng thường dưới dạng tự phát của doanh nghiệp thương mại có nhu cầu thu mua nông sản để xuất khẩu. Doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân dưới dạng trả một phần tiền trước để nông dân sản xuất nông sản theo đơn hàng và thu mua với giá đã ấn định. 

Tình trạng xảy ra ở khá nhiều địa phương là giá nông sản thực tế cao hơn giá thu mua đã ấn định trong hợp đồng thì nhiều nông dân bội ước, phá vỡ hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp đành "bó tay". Ngược lại, khi nông sản rớt giá trên thị trường thì doanh nghiệp bội ước, đành mất số tiền nhỏ đã đặt và nông dân thì cũng "bó tay" với lượng nông sản thừa đang "ế ẩm". 

Đây là mối liên kết thương mại không bền vững, chữ "tín" bị phá bỏ bất cứ lúc nào do bên này hay bên kia dựa vào cân nhắc theo lợi ích của mình. Nguyên nhân sâu xa là do doanh nghiệp liên kết chỉ là các doanh nghiệp thương mại, không phải là các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, không tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Để trợ giúp cho bảo vệ chữ "tín" giữa hai bên, cần khuyến khích sự tham gia của Hội Nông dân, Phòng Thương mại và Công nghiệp và một số tổ chức xã hội khác nhằm bảo vệ cho bên yếu thế là các hộ nông dân.

Tóm lại, trong những bước đi hợp tác đầu tiên giữa doanh nghiệp và nông dân, hãy tập trung vào cơ chế chia sẻ lợi ích, đừng dựa trên cơ chế bắt nông dân chia sẻ rủi ro vì nông dân nhỏ luôn thuộc các nhóm yếu thế. Cơ chế chia sẻ cả lợi ích và chia sẻ rủi ro cho thật công bằng giữa hai bên hợp tác sẽ được áp dụng trong các giai đoạn hợp tác tiếp theo, khi người nông dân chuyên nghiệp hơn. 

Trong mọi mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, chính quyền địa phương chỉ nên đóng vai trò trợ giúp, tạo môi trường hợp tác thuận lợi, không được can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, nhất là không được đứng về phía nhóm lợi ích của doanh nghiệp. 

Nhà nước cần tập trung vào đổi mới chính sách đất đai để tạo động lực mới cho nông dân. Chính sách xóa bỏ thời hạn và hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp sẽ là chủ lực để tạo động lực mới cho pháp triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn cho giai đoạn hiện nay, nhất là bảo đảm điều kiện tốt cho nông dân hợp tác với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần phải hình thành các chính sách phù hợp để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tích tụ được đất đai nhưng không trực tiếp tổ chức sản xuất mà chỉ thu địa tô bằng phát canh thu tô.

P.V: Xin cảm ơn Giáo sư !

Đăng Dương (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực