Gia Lai hướng tới canh tác hồ tiêu bền vững

Thứ ba, 23/05/2017 15:36
Thời gian gần đây, giá hồ tiêu trên thị trường liên tục giảm sâu và hiện chỉ còn dưới 90.000 đồng/kg đang khiến cộng đồng nhà nông trên địa bàn tỉnh Gia Lai vô cùng lo lắng. Thêm vào đó, sản xuất manh mún, chưa đi vào chiều sâu dẫn đến cây trồng thường xuyên bị dịch hại hoành hành, môi trường ô nhiễm mất cân đối khiến diện tích và sản lượng giảm đáng kể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Gia Lai.

Theo thống kê, tỉnh hiện có khoảng 18.000 ha; trong đó, có trên 2.000 ha hồ tiêu bị nhiễm sâu bệnh hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Thực trạng trên là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ hồ tiêu phát triển thiếu bền vững.

Vườn tiêu hơn 2.000 trụ của gia đình ông Huỳnh Văn Lan ở xã H’Bông, huyện Chư Sê đang trong giai đoạn thu hoạch cuối vụ nhưng vợ chồng ông không hề vui bởi năm nay giá cả, sản lượng cũng như diện tích đều giảm mạnh.

Ông Lan buồn rầu chia sẻ, do sâu bệnh hại hoành hành nên vườn tiêu của gia đình ông bị chết hơn 250 trụ, năng suất cũng giảm đi một nửa. Những năm trước gia đình ông thu bình quân hơn 4 tấn thì năm nay chỉ còn khoảng 2 tấn. Với giá thấp như hiện nay thì gia đình ông thiệt hại nặng và đang gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm này năm ngoái, giá tiêu đen xô khá cao khoảng 180.000 đồng/kg thì năm nay xuống chỉ còn dưới 90.000 đồng/kg khiến nhiều nhà nông thiệt hại hàng tỷ đồng, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, ngành hồ tiêu nước ta đang đứng trước nhiều thách thức; trong đó, phải kể đến diện tích hồ tiêu đang tăng quá nhanh. Theo khảo sát cả nước hiện có khoảng 150.000 ha với sản lượng trong vòng 2 đến 3 năm tới đạt hơn 300.000 tấn, một con số rất lớn so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Thêm vào đó, người nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ không có sự giám sát chặt chẽ về quy trình kỹ thuật nên dẫn đến tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, rào cản về xuất khẩu ra nước ngoài quá lớn nên khó cạnh tranh được với các nước như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Những hiện thực này đang khiến ngành hồ tiêu nước ta phát triển chưa thật sự bền vững.

Để hướng tới canh tác hồ tiêu một cách bền vững, ông Hoàng Phước Bính cho biết, Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức nhiều buổi hội thảo chuyên đề nhằm khuyến khích người nông dân liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để được hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Trước thực trạng hiện nay, vùng trọng điểm tiêu Chư Pưh cũng đã chú trọng hướng đến các giải pháp phát triển bền vững nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nông dân. Song song với việc hướng dẫn người nông dân phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM trên cây hồ tiêu, những giải pháp căn cơ mà địa phương đang tập trung hướng đến là xây dựng các mô hình canh tác hồ tiêu tiên tiến áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm gắn với việc chăm sóc vườn cây bằng phân bón hữu cơ cân bằng dinh dưỡng và các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.

Đồng thời, khuyến khích người dân ưu tiên canh tác hồ tiêu trên những vùng đất phù hợp thổ nhưỡng, thoát nước tốt. Đối với các vùng đất trũng cần đào rãnh thoát nước tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa; đặc biệt chú trọng trồng cây che bóng, chắn gió và trồng tiêu trên trụ cây sống. Đến thời điểm này, toàn huyện đã xây dựng được hơn 100 ha hồ tiêu áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, lộ trình đến năm 2020 sẽ nâng diện tích lên 500 ha.

Cùng với việc tập trung xây dựng các mô hình vườn tiêu gia đình bền vững, xu thế hình thành cánh đồng hồ tiêu mẫu lớn gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu giống, tưới tiêu, sơ chế bảo quản và đầu ra ổn định cũng được địa phương đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của thương hiệu hồ tiêu Chư Pưh.

Để triển khai nhiệm vụ này, huyện đã kêu gọi được Công ty ÔLam kết hợp với Công ty Trường Thịnh đầu tư dự án mô hình trồng tiêu sạch theo chuỗi giá trị VietGAP với quy mô trên 100 tỷ đồng tại xã Ia Le. Theo đó, công ty ÔLam sẽ xây dựng các vườn ươm cung cấp giống đạt chuẩn để triển khai trồng 100 ha và hướng tới sẽ chuyển giao công nghệ cho nông dân mở rộng diện tích trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch huyện Chư Pưh, để hồ tiêu của huyện phát triển bền vững hơn thời gian tới, huyện đã đề nghị các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với các nhà khoa học có một đề tài nghiên cứu về cây tiêu để kiềm chế bệnh chết nhanh, chết chậm vì hồ tiêu là loại cây trồng có lợi nhuận cao nếu được đảm bảo vấn đề kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Những năm qua, cây hồ tiêu được ví như “vàng đen” của vùng đất Tây Nguyên góp phần quan trọng tạo thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, trước những thách thức do tác động của sâu bệnh hại hoành hành, giá cả bấp bênh đang khiến loại cây trồng này đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững trong tương lai./.

Nguyễn Hoài Nam/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực