Đưa Luật Lâm nghiệp sớm đi vào cuộc sống

Thứ sáu, 17/11/2017 16:16
(ĐCSVN) - Ngày 15/11/2017, Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 87,78% đại biểu tán thành. Xung quanh những nội dung mới của Luật Lâm nghiệp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có một số thông tin trao đổi với báo chí.

Người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng (Ảnh: NQ)

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, lần này, Quốc hội thông qua, thống nhất cao về Luật Lâm nghiệp. Đây là luật mới trên cơ sở kế thừa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991 và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được thay thế năm 2004.

Luật Lâm nghiệp mới thể chế hóa ba tư tưởng lớn: thể chế hóa chủ trương Nghị quyết Trung ương Đảng, đặc biệt Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp nông dân nông thôn, Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 24-NQ/TW của Trung ương. Trong đó, khẳng định lâm nghiệp là một ngành kinh tế xã hội vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển đóng góp về kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho những người gần rừng, để người dân sống được từ rừng, cùng với đó phát huy giá trị xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay, luật lần này khác với luật trước. Luật trước đây hình thành rừng từ quản lý, bảo vệ phát triển rừng, lần này theo chuỗi với quản lý lĩnh vực chế biến và thương mại. Điều này cụ thể hóa chiến lược xây dựng đất nước khi kinh tế của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế. Luật lần này mở rộng hai giai đoạn tiếp theo rất quan trọng là chế biến và thương mại.

Về vấn đề gọi là Luật Lâm nghiệp có làm giảm vai trò và ý nghĩa trong việc bảo vệ quản lý rừng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, mặc dù Luật Lâm nghiệp có mở rộng nhưng nội hàm bảo vệ rừng không giảm đi so với Luật 2004, các chế định bảo vệ rừng của Luật 2004 vẫn được kế thừa và làm sâu sắc hơn ở bảo vệ quản lý bền vững.

Đáng chú ý, Luật Lâm nghiệp tác động như thế nào đối với người làm nghề rừng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, Luật lần này kỳ vọng tác động mang lại hiệu quả cao hơn cho chủ rừng và người tham gia bảo vệ rừng. Trong đó, cao hơn ở quyền và nghĩa vụ. Từng loại chủ rừng được quy định rất rõ trong từng điều luật, mỗi loại chủ rừng có từng nghĩa vụ và quyền riêng với tinh thần mở rộng quyền sở hữu đối với người có công sức đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Lâm nghiệp quy định điểm mới về dịch vụ môi trường rừng. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, chúng ta không phải chặt gỗ, khai thác lâm sản nhưng chúng ta vẫn có nguồn thu của người dân. Năm nay, nguồn thu phi lâm sản được khoảng 1.650 tỷ đồng và sẽ tăng lên khi luật này quy định mở rộng các dịch vụ môi trường rừng khác. Đặc biệt thực hiện tín chỉ các bon, hy vọng nguồn này sẽ tăng lên. Đối với rừng tự nhiên chúng ta đóng cửa vẫn có nguồn thu, với rừng trồng cũng được từng bước nâng lên và không kém so với nguồn thu từ lâm sản.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích thêm, dịch vụ môi trường rừng năm 2016 thu được 1.300 tỷ, năm nay 1650 tỷ, năm 2018 dự tính sẽ được khoảng 2.000 tỷ đồng. Với việc có nguồn thu sẽ tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Việc tăng nguồn thu trên điều kiện chúng ta sản xuất sản lượng như vậy nhưng giá trị tăng lên.

“Cùng với đó là gắn với chế biến sẽ giải quyết một loạt vấn đề, kỳ vọng cao nhất là làm sao chúng ta không phải chặt rừng, vẫn tăng được thu nhập cho người dân” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, lần này luật quy định quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Khi chúng ta thực hiện được chứng chỉ rừng bền vững thì chúng ta đã xác nhận được việc bảo vệ và phát triển rừng là lâu dài, ổn định và tạo được niềm tin của thị trường, tạo được thương hiệu của gỗ của Việt Nam.

Về vấn đề tích tụ đất đai, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, tích tụ đất đai là cách để tạo ra những khu rừng tập trung quy mô lớn, là giải pháp vừa tích tụ vừa đảm bảo người làm lâm nghiệp phải được giao rừng và khoán rừng, có thu nhập ổn định. Việc tích tụ đất đai không chỉ đơn thuần dồn đất đai vào cho doanh nghiệp mà còn tạo liên kết giữa người chế biến và người cung ứng với hộ dân để tạo ra vùng nguyên liệu lớn, tạo ra phương thức quản lý hiệu quả.

“Đây là vấn đề không dễ và chúng ta đang tập trung nghiên cứu. Luật lần này cũng mở ra hướng như vậy, định hướng để tạo ra vùng nguyên liệu lớn trên cơ sở tích tụ đất đai tự nguyện, dân chủ các bên cùng có lợi. Đặc biệt phương thức liên kết các nhà, doanh nghiệp và hộ gia đình” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Luật lần này tác động đến diện tích rừng lớn, nằm trên tất cả các tỉnh của quốc gia chúng ta, kể cả vùng núi và hải đảo, vì vậy, ngành Lâm nghiệp quyết tâm triển khai có hiệu quả để đưa Luật đi vào cuộc sống nhanh nhất./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực