Đồng Nai hình thành nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Thứ hai, 11/12/2017 10:37
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, Chính phủ ngày càng chú trọng hơn đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dành gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực này.
Mô hình trồng lan trong nhà lưới ở Đồng Nai. (Ảnh: K.V)

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp, có nhiều chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Những năm qua, người nông dân tỉnh Đồng Nai đã tiếp cận và đưa vào ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất ở cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, người nông dân Đồng Nai đã đi đầu với những cải tiến thông minh, sử dụng điện thoại di động để bật, tắt hệ thống tưới tự động. Nông dân có thể dùng chiếc điện thoại sử dụng hàng ngày để mở hoặc tắt hệ thống tưới vì chỉ những số điện thoại nào đã cài đặt sẵn gọi đến, hộp điều khiển mới nhận kích hoạt. Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc, thị xã Long Khánh cho biết, chỉ cần một chiếc điện thoại được tích hợp vào hệ thống tưới, người nông dân có thể tự do đi khắp nơi vì chỉ cần kích hoạt qua điện thoại là vườn cây luôn được tưới đúng giờ. Hệ thống tưới tự động bằng điện thoại di động này hiện được nông dân ứng dụng rộng rãi vì chi phí đầu tư không quá cao mà lại tiết kiệm được rất nhiều công lao động.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh này có trên 30 nghìn ha diện tích ứng dụng tưới nước tiết kiệm và kết hợp bón phân qua đường ống. Đây là con số rất ấn tượng vì ở khu vực Đông Nam bộ nói riêng và của cả nước nói chung, không nhiều tỉnh, thành nhân rộng được mô hình này.

Ở xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc), từ năm 2011 nông  dân Đỗ Nhật Tâm đã đầu tư hàng tỷ đồng làm 2 nhà màng với tổng diện tích 2 nghìn m2 với công nghệ hiện đại nhất hiện nay để trồng dưa lưới. Trong quá trình sản xuất, người nông dân Đỗ Nhật Tâm đã luôn cải tiến, ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật mới, như: chuyển từ kỹ thuật tưới nước tự động sang tưới bằng áp lực đảm bảo sự đồng đều về lượng nước, lượng phân cho cây trồng; thay giống cũ bằng giống mới; chuyển dần sản xuất theo hướng hữu cơ... Nhờ vậy, sản phẩm dưa lưới của hộ ông Tâm không chỉ tiêu thụ tốt tại các cửa hàng, siêu thị trái cây sạch tại TP.Hồ Chí Minh mà được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu đi Nhật Bản.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, nông dân Đồng Nai rất nhanh nhạy và mạnh dạn trong nắm bắt và đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất. Tỉnh cũng rất quan tâm và làm rất tốt công tác chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông dân trên khắp các lĩnh vực: trồng trọt - chăn nuôi - thủy lợi - bảo vệ môi trường, bao quát khắp các khâu: giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, thực hành nông nghiệp tốt, cơ giới hóa...

Hay như người nông dân Nguyễn Trường Đại ở xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) là người đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm công nghiệp với quy mô gần 7 ha. Ông Đại đã cho lót bạt dưới đáy ao và phủ lưới trên mặt ao thay cho cách nuôi ao đất truyền thống. Ông Đại cho biết: “Công nghệ mới này yêu cầu sự đồng bộ từ chọn con giống sạch, chất lượng đến tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào; sử dụng vi khuẩn có lợi cạnh tranh với vi khuẩn có hại; đặc biệt ao được thiết kế để các chất thải, chất bẩn tập trung lắng xuống khu trũng ở đáy ao, người nuôi phải vệ sinh hàng ngày và hút các chất bẩn ra khỏi ao nuôi nên hạn chế được rủi ro dịch bệnh cho con tôm...”.

Với cách nuôi truyền thống trong ao đất, ông Đại thường chỉ thả 50 con giống/m2, nhưng với ao lót bạt thả đến 200 con/m2. Con tôm thu hoạch đạt 25-30 con/kg, là cỡ size rất khó đạt được với cách nuôi truyền thống. Nhờ đó, năng suất và lợi nhuận của mô hình nuôi mới cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi ao đất”. Công nghệ mới này được hàng chục hộ dân nuôi tôm tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành ứng dụng và đang tiếp tục được nhân rộng. Ngoài lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, an toàn cũng là nội dung đang được tỉnh Đồng Nai tập trung thực hiện. Một trong những dự án trọng điểm của tỉnh là dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) với diện tích thí điểm khoảng 50 ha, gồm: khu thực nghiệm, khu nuôi tôm thương phẩm và khu sản xuất giống.

Cùng với hàng loạt dự án đầu tư trang trại nông nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn Vingroup cũng đã khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”. Chương trình sẽ liên kết với 1 ngàn hợp tác xã và hộ nông dân để sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Phía doanh nghiệp sẽ đào tạo, hướng dẫn các nông hộ về quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất trước và sau thu hoạch; tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Qua việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai cho biết, thời gian tới trung tâm sẽ đẩy mạnh việc hợp tác với Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam (Hàn Quốc), các mô hình nông nghiệp cao của Israel, Thái Lan, Nhật Bản..., cùng với đó là đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư, từ đó xây dựng được những chuỗi liên kết sản xuất bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn đó cũng là mục tiêu phát triển nông nghiệp của Đồng Nai.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Khu Công nghệ cao Công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai. Khi được thành lập, khu công nghệ cao này có chức năng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp vào đầu tư và cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực. Tổ chức xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực đầu tư. Liên kết nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ mới; làm đầu mối tổ chức tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Tổ chức thực hiện hợp tác trong và ngoài nước nghiên cứu, đào tạo khoa học... Dự kiến, giai đoạn 2018-2020, Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ mở rộng diện tích thêm 500 ha và tiếp tục thu hút đầu tư về khâu giống cây trồng, vật nuôi; về thực phẩm chức năng, nhiên liệu sinh học, màng polymer sinh học, enzim tái tổ hợp; chế phẩm sinh học xử lý môi trường; ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản nông sản...

Một trong những mục tiêu chính của Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học này là tổ chức đào tạo, huấn luyện cán bộ và nông dân về sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học; là cầu nối cho sự liên kết để doanh nghiệp và nông dân cùng đồng hành phát triển nông nghiệp công nghệ cao.../..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực