Doanh nghiệp với cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ hai, 11/12/2017 10:48
(ĐCSVN) - Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các địa phương, doanh nghiệp cần tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông.
Một doanh nghiệp chế biến gỗ ở Đông Nam bộ áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất

(Ảnh: K.V)


Các địa phương vào cuộc

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức được tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào dây chuyền sản xuất, hệ thống phân phối hàng hoá... Xu thế toàn cầu hóa, thương mại điện tử xóa bỏ mọi khoảng cách chính là cơ hội cho các doanh nghiệp hòa nhập nhanh chóng với cách mạng công nghiệp 4.0 và quan trọng hơn là rút ngắn khoảng cách về trình độ sản xuất của Việt Nam với các nước có nền công nghiệp phát triển.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, thời gian gần đây nhiều thành viên của hiệp hội liên tục dự các hội chợ thương mại, triển lãm máy móc thiết bị ở các nước châu Á, châu Âu. Trên cơ sở đó, nhiều thành viên đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự…, từ đó từng bước tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang được Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Điều cần làm hiện nay chính là cùng nhau góp sức tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, để cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung đứng vững và phát triển trên sân chơi kinh tế toàn cầu.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh không ngừng của ngành công nghiệp, hàng tỷ USD cùng những linh kiện máy móc hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động đã được sử dụng tại Bình Dương. Đây là tiền đề quan trọng để mang đến sự gia tăng về giá trị kim ngạch xuất khẩu cho Bình Dương trong tương lai gần. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang lan tỏa khắp toàn cầu. Bình Dương không nằm ngoài “cuộc chơi lớn” này. Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần CNC Tech, Khu công nghiệp Đồng An I, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội mà đồng thời cũng là thách thức rất lớn đối với ngành xuất nhập khẩu của Bình Dương. Nếu biết tận dụng thời cơ cũng như có những quyết sách hợp lý, nỗ lực cải cách và hỗ trợ tốt từ cơ quan quản lý Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng, tạo những bước đột phá lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho rằng, chủ doanh nghiệp cần phải có kiến thức, không thể mày mò bằng kinh nghiệm. Trong lúc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi lượng kiến thức rất nhiều, chính vì vậy, chủ doanh nghiệp cần chủ động học để đáp ứng. Việc học có rất nhiều hình thức bằng những khóa ngắn hạn, dài hạn... Nếu không được đào tạo sẽ bị bỏ rơi. Tuy nhiên để đầu tư theo công nghệ, đối với lĩnh vực sản xuất khá tốn kém, trong khi vốn của các doanh nghiệp này lại luôn ở mức khó khăn.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, chia sẻ, để tồn tại, các doanh nhân thực sự phải “sống vì nghề và luôn đổi mới”. Công nghệ thay đổi dẫn đến cách thức bán hàng, sản xuất cũng phải thay đổi theo. Khách mua hàng hiện nay không còn phải đi ra cửa hàng hay siêu thị hoặc tìm đến các nơi bán, mà chỉ trên các ứng dụng điện thoại là có thể mua được. Vì vậy, chủ doanh nghiệp không ý thức để thay đổi thì rất khó tồn tại. Có những doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới nhưng không thay đổi kịp cũng bị loại khỏi cuộc chơi.

Cũng theo ông Trần Bá Dương, về sản xuất, doanh nghiệp cần tính đến ứng dụng tự động hóa, máy móc thay thế con người để nâng cao năng suất và giảm các chi phí. Về quản trị, chủ doanh nghiệp điều hành kinh doanh phải phù hợp với quy mô, phải nắm rõ nguyên tắc không có gì là bất biến và phải điều chỉnh để cho nó phù hợp với thực tế, vì muốn thành công, chủ doanh nghiệp cần đến quản trị đặc thù dựa trên các vấn đề thực tiễn trong kinh doanh.

Ông Lâm Thanh Đức, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho hay, để trở thành một doanh nghiệp cung ứng cho thị trường khoảng 150 nghìn trứng gà sạch/ngày như hiện nay, doanh nghiệp đã phải làm cuộc cách mạng lớn trong sản xuất là thay đổi toàn bộ máy móc cũ bằng dây chuyền máy móc hiện đại. Hiện nay, các trang trại chăn nuôi của tôi đều được tự động hóa gần hết các khâu.

Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh này mỗi năm đều giữ mức tăng trưởng khoảng cao khoảng 8%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trên 11%/năm. Thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp Đồng Nai là: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm, mẫu mã. Để cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước trên cùng lĩnh vực các doanh nghiệp Đồng Nai liên tục đổi mới, tiếp cận khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm tốt, giá rẻ.

Theo Cục Hải quan các địa phương khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, mỗi năm nhập khẩu máy móc thiết bị của các doanh nghiệp ở các địa phương này đều tăng hơn 10%, trong đó phần lớn là máy móc thiết bị hiện đại. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang rất quan tâm việc ứng dụng các dây chuyền mới hiện đại vào trong sản xuất để sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong sân chơi toàn cầu…

Giải pháp cho doanh nghiệp trước cuộc cách mạng 4.0

Theo các chuyên gia kinh tế, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ, về cuộc cách mạng này; những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai và những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Các doanh nghiệp cũng cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Cần chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới.Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc, để bước vào cuộc cách mạng 4.0.

Thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng 4.0 là nằm ở tiềm lực cơ sở vật chất. Máy móc thiết bị của các doanh nghiệp cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại, khiến các doanh nghiệp Việt nếu muốn “số hóa” công nghệ cũng phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức, chi phí. Cụ thể, không những tất cả máy móc thiết bị trong công xưởng được kết nối với nhau thông qua internet, mà rất nhiều cảm biến cũng đồng thời được lắp đặt để thu thập dữ liệu, từ đó giúp máy móc có thể “giao tiếp” với nhau mà không cần sự có mặt của con người, hay dây chuyền sản xuất sẽ được vận hành tự động một cách thích hợp ứng với lượng tồn kho.

Các doanh nghiệp sản xuất chi tiết cũng sẽ được kết nối với doanh nghiệp lắp ráp, doanh nghiệp vận chuyển, cửa hàng phân phối và tiêu thụ để thành một thể thống nhất. Quá trình sản xuất và thời hạn sản xuất được phối hợp với mục tiêu tăng hiệu suất và tối ưu hóa thời gian sản xuất, công suất và chất lượng sản phẩm trong các khâu phát triển, sản xuất, tiếp thị và thu mua. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, khiến các chi phí thương mại sẽ giảm xuống, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo TS.Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp muốn phát triển lớn mạnh buộc phải ứng dụng khoa học- công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Nhiều nghiên cứu khoa học-công nghệ mới trong nước được thương mại hóa đưa vào ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực đem lại kết quả cao. Đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp tiếp cận ứng dụng khoa hoc- công nghệ tiên tiến rất nhanh. Việc này giúp họ dễ thành công hơn, vì thế mà tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới 1-2 năm gần đây tăng cao và số lượng bị phá sản, giải thể giảm dần. Việt Nam không chỉ là quốc gia ứng dụng khoa học- công nghệ nhanh mà còn là nơi đứng đầu trong ASEAN về khởi nghiệp.

Tuy nhiên, một khó khăn đang là trở ngại cho các doanh nghiệp muốn hòa nhập với cuộc cách mạng 4.0, đó là hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam chiếm số lượng lớn và trong đó đúng là còn nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Theo tôi, nguyên nhân chính là do họ thiếu tiềm lực về tài chính. Vì muốn ứng dụng khoa học- công nghệ hiện đại buộc doanh nghiệp phải có vốn để đầu tư máy móc mới, đào tạo nhân lực và làm chủ được công nghệ. Trong hội nhập, đây là bài toán khó đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phải tìm cách để hóa giải, nếu không rất dễ bị đào thải ra khỏi sân chơi quốc tế.

Thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nên các doanh nghiệp có thể tranh thủ tận dụng những ưu đãi trên để phát triển. Ngoài nguồn vốn vay trực tiếp từ các ngân hàng, doanh nghiệp có thể tìm thêm nguồn vốn từ các quỹ ưu đãi, kêu gọi góp vốn để đầu tư. Muốn làm được những điều trên, doanh nghiệp có phương án sản xuất tốt.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên có sự gắn kết với các trường đại học, viện nghiên cứu để được hỗ trợ ứng dụng các nghiên cứu công nghệ mới vào trong sản xuất kinh doanh mà không tốn kém quá nhiều. Bởi có không ít đề án, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học, viện muốn ứng dụng vào trong thực tế để phát triển.

Để có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt giúp các doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và có thể trụ vững, các tỉnh, thành phố nên triển khai, thực hiện tốt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2020” Chính phủ đã ban hành. Tiếp đến ưu tiên triển khai các hoạt động phù hợp với thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, thành trong khu vực cũng như liên kết vùng để phát huy hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về khởi nghiệp trên địa bàn khu vực cho các chủ thể là cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư cho khởi nghiệp, các cán bộ thuộc khối cơ quan quản lý hoạt động khởi nghiệp. Các tỉnh, thành định kỳ khảo sát, điều tra về thực trạng khởi nghiệp tại địa phương để điều chỉnh kế hoạch phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt, Nhà nước cần có sự quan tâm những ngành sử dụng nhiều lao động đang phải đứng trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại. Sự hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ, cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước trong thời gian tới. Cụ thể như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của giai đoạn trước nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận này để tái đầu tư vào khu vực có trình độ công nghệ cao trong ngành, xem xét kể cả hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp những năm trước để doanh nghiệp đầu tư nhưng với điều kiện phải đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./..

 

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực