Để thực phẩm, nông sản Việt hội nhập hiệu quả

Thứ ba, 23/05/2017 21:59
(ĐCSVN) – Đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khi xuất khẩu nông sản cần phải thực sự được thực hiện trên tinh thần xây dựng, cầu thị và quyết liệt, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. (Ảnh: HNV)

Đây là thông tin được  các chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” diễn ra ngày 23/5, tại Hà Nội. Hội thảo do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT, Amcham (Phòng Thương mại Mỹ) tại Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Herb Cochran – Cố vấn Chương trình Thuận lợi hóa thương mại của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA) quy định cứ hai năm một lần, nghĩa là vào các năm chẵn, các nhà xuất khẩu nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Mỹ phải đăng ký lại Cơ sở sản xuất và Người đại diện tại Mỹ với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp mã số kinh doanh hợp lệ mới.

Đánh giá về các quy định mới này, ông Nestor Scherbey – Tổng Giám đốc CTRMS Viet Nam - Cố vấn cao cấp Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu nhận định: Luật FSMA là một cải cách sâu rộng nhất trong luật an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ trong hơn 70 năm. Nó dẫn đến việc thực hiện các quy định chi tiết mới để đảm bảo nguồn cung thực phẩm của Hoa Kỳ là an toàn. Các quy tắc mới thay đổi trọng tâm từ phản ứng với nhiễm bẩn hoặc các mối nguy khác và thay vào đó để ngăn ngừa.

Cũng theo ông Nestor Scherbey, nếu công ty có Chứng chỉ đăng ký với FDA Hoa Kỳ không có nghĩa là được phép xuất khẩu thực phẩm sang Hoa Kỳ. Đây chỉ là số đăng ký và cho phép các kiểm định viên của FDA Hoa Kỳ kiểm tra cơ sở. Nó không có nghĩa là cơ sở sẽ vượt qua các kiểm tra của FDA tại Hoa Kỳ, , nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu an toàn thực phẩm liên quan đến Thực tiễn sản xuất tốt (GMP) hoặc Thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Nó cũng là thông báo trước lô hàng thực phẩm hoặc các hàng hóa khác của bạn phải được nộp hồ sơ cho FDA Hoa Kỳ trước khi đến cảng bằng đường biển, hàng không hay đường bộ.

Đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nestor Scherbey cho rằng, nếu công ty chưa làm việc chặt chẽ với nhà mua hàng/nhà nhập khẩu Hoa Kỳ để biết và hiểu về những thay đổi liên quan đến các yêu cầu về an toàn thực phẩm và có những hành động thích hợp cần thiết, đừng cố gắng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm qua Hoa Kỳ nữa.

Cũng theo ông Nestor Scherbey, nếu chưa tuân thủ theo yêu cầu, thì có rủi ro cao là nhà mua hàng/nhà nhập khẩu Hoa Kỳ hoặc người đại diện gặp rắc rối nghiêm trọng với hải quan, FDA và USDA và công ty sẽ có nguy cơ bị phạt rất nhiều tiền, bao gồm cả việc bị cấm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Phân tích thêm về các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn thực phẩm hiện nay, ông Đào Đức Huấn – Giám đốc trung tâm phát triển nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn nhận định: Hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với 3 thách thức nội tại. Thứ nhất, vẫn thực hiện thói quen thương mại một cách ngẫu nhiên và tình cờ, tuy nhiên, với đạo luật mới yêu cầu các mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu phải được thiết lập từ trước đó rất nhiều thời gian. Thứ hai, với đạo luật mới, một sản phẩm muốn xuất khẩu sang Mỹ không phải chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm soát hành vi, kiểm soát các yếu tố thực hành. Đây là thách thức không hề nhỏ, trong bối cảnh liên kết chuỗi của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, liên quan đến chi phí và giá thành sản phẩm sẽ tăng lên.

Để góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đoạn mới, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã kết hợp với các ban, ngành và tổ chức về chất lượng trong và ngoài nước xây dựng,  ban hành Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập vào tháng 9/2016, nhằm nỗ lực trang bị cho doanh nghiệp Việt trong sân chơi hội nhập. Nó càng có ý nghĩa hơn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh các quốc gia đang tăng cường các hàng rào bảo hộ theo các tiêu chuẩn quốc tế. Theo bà Vũ Kim Hạnh, một khi hàng Việt đạt chuẩn, đây không chỉ là tấm giấy thông hành giúp hàng Việt tiếp cận các thị trường lớn mà còn là mục tiêu cụ thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới khi hội nhập.

Nhân dịp này, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh kiến nghị, các cơ quan quản lý của Nhà nước như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học công nghệ, Công thương phải nhanh chóng nghiên cứu những quy định mới này để có thể đưa ra những hướng dẫn phù hợp và những yêu cầu của giai đoạn mới như truy xuất nguồn gốc, áp dụng và tuân thủ tiêu chuẩn tất cả những cái này đều phải minh bạch công khai theo đúng yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu: từ nhãn sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, minh bạch tiêu chuẩn và tất cả những kiểm tra dựa trên dựa trên nội dung tiêu chuẩn này.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực