Công khai, minh bạch trong hoạt động thị trường chứng khoán

Thứ sáu, 22/02/2019 18:48
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, năm 2019, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững; Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách...

Đó là nội dung phát biểu được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức, ngày 22/2.

Đây là hội nghị thường niên, tạo cơ hội tốt để cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cùng nhau đánh giá những thành quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại và cùng nhau thảo luận, thống nhất chương trình hành động để tiếp tục xây dựng TTCK phát triển hiệu lực và hiệu quả.

TTCK đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: HNV)

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển của kinh tế nước nhà.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, “không thể phủ nhận những đóng góp của ngành chứng khoán đối với sự phát triển vượt bậc của ngành Tài chính cũng như nền kinh tế nước nhà trong năm qua”.

Năm 2018, mặc dù bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu, nhưng nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, các chính sách phát triển thị trường, TTCK Việt Nam năm 2018 vẫn đứng vững và duy trì tăng trưởng trên nhiều khía cạnh, là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Quy mô và phạm vi của thị trường cũng đã ngày càng lớn mạnh. Tính đến cuối năm 2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương với 72% GDP năm 2018, đã vượt trước 2 năm chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường tiền tệ, giảm áp lực đối với hệ thống các ngân hàng.

TTCK đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế; công tác tái cơ cấu thị trường đã được triển khai quyết liệt theo Đề án đã được phê duyệt.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết thêm, năm 2018, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017, với mức tăng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018. Cùng với đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể so với năm trước đó về cả doanh thu (tăng 15,2%) và lợi nhuận sau thuế (tăng 21,4%).

Việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 cũng là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.

Tiếp tục phát huy hiệu quả kênh huy động vốn từ TTCK

Hội nghị diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: HNV)

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, với mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 10 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% trong năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định được là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế.

Thị trường Việt Nam được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018 (tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2018 đạt hơn 278 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86 nghìn tỷ đồng).

Kết quả đó cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của nhiều doanh nghiệp. Thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng; hỗ trợ tốt cho công tác cổ phần hóa , tạo ra một cơ cấu thị trường vốn Việt Nam cân đối hơn, hiệu quả hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, năm 2019, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu bao gồm: Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, bền vững; Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về cả chất và lượng của thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò vị thế của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán, thể chế hóa các nội dung quan trọng, đảm bảo sự đồng bộ phù hợp với các luật quan trọng khác; Triển khai quyết liệt các giải pháp nêu tại Đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh với tính chất cung cấp công cụ tài chính phòng vệ rủi ro, phát triển các sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán... Trong đó, tăng quyền tiếp cận thông tin, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, bảo đảm hoạt động ổn định, an ninh tài chính quốc gia; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành thị trường tài chính, thị trường chứng khoán; Phát huy các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; coi đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp là một đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực