Cổ đông WB chấp thuận gói tăng góp vốn 13 tỉ USD

Thứ hai, 23/04/2018 11:42
(ĐCSVN) - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa cho biết, các cổ đông Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đã chấp thuận tăng 13 tỉ USD vốn góp nhằm giúp định chế tài chính này có thêm nguồn lực để hoàn thành sứ mệnh của mình tại những khu vực cần trợ giúp nhất trên thế giới.
Một phần dự án thuỷ lợi hồ Kẻ Gỗ - Hà Tĩnh do WB tài trợ (Ảnh: Đ.H)

Việc chấp thuận gói tăng vốn dành cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế  (IBRD) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tiếp nối sự cam kết mạnh mẽ của các nhà tài trợ dành cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) như đã thể hiện trong đợt bổ sung vốn cho IDA18, đợt phát hành trái phiếu IDA thành công trên thị trường vốn và năng lực tài chính ngày càng được củng cố của Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư  Đa phương (MIGA).

Gói tăng vốn do Ủy ban Phát triển thuộc Hội đồng Thống đốc chấp thuận gồm một khoản 7,5 tỉ USD tăng vốn cho IBRD và một khoản 5,5 tỉ USD tăng vốn cho IFC, qua việc tăng loại vốn góp chung và vốn góp có chọn lựa. Ngoài ra, cùng với khoản tăng vốn góp này, khoản vốn “có thể huy động thêm” của IBRD cũng tăng thêm 52,6 tỉ USD. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp khác như cải tổ nội bộ, nâng cao hiệu quả, định giá khoản vay, và các biện pháp chính sách khác sẽ góp phần nâng cao tối đa tác động và làm cho Nhóm Ngân hàng Thế giới ngày càng mạnh mẽ hơn.

Từ nay trở đi, các định chế tài chính trong WB sẽ có khả năng tài chính lên tới khoảng 100 tỉ USD mỗi năm tài chính trong giai đoạn 2019 – 2030 để hỗ trợ các nước thành viên thuộc mọi nhóm thu nhập trong WB.

“Với thỏa thuận lịch sử đạt được này, các cổ đông đã thể hiện rõ ràng sự tin tưởng của họ vào hợp tác toàn cầu, và chúng tôi rất biết ơn các nước thành viên về sự ủng hộ mạnh mẽ này của họ. Đợt tăng vốn này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó giúp chúng tôi tiếp tục có nguồn lực để tài trợ cho phát triển nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân mà chúng tôi có sứ mệnh phục vụ. Các cổ đông đã yêu cầu Nhóm Ngân hàng Thế giới tăng cường hơn nữa vai trò dẫn dắt của mình nhằm giải quyết vô số các  thách thức chồng chéo trong thời đại ngày nay. Gói vốn góp mới này sẽ giúp chúng tôi phản ứng tốt hơn trước các rủi ro về ổn định và an ninh toàn cầu, nhất là tại các nước nghèo và quốc gia còn mong manh.” - Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim nói.

Gói tăng vốn do này chính là sự tiếp nối cam kết của các cổ đông nhằm đảm bảo WB có khả năng tốt hơn để giúp đỡ các khách hàng giải quyết khó khăn và đồng thời tăng cường trợ giúp tại những nơi cần vốn cấp thiết nhất. WB sẽ có đủ khả năng giúp đỡ tất cả các nhóm khách hàng tăng cường các động lực tăng trưởng dài hạn và bền vững, trong đó phải kể đến đầu tư vào nguồn vốn con người và năng lực ứng phó. Gói tăng vốn cũng giúp WB xây dựng các cam kết về tăng cường mô hình hoạt động và nâng cao hiệu quả.

Ủy ban Phát triển cũng tiếp thu các khuyến nghị nêu trong báo cáo Đánh giá góp vốn hồi đầu năm, trong đó có khuyến nghị về tăng vốn chọn lọc (Selective Capital Increase - SCI) dành cho IBRD, qua đó giúp cân đối cơ cấu vốn góp hơn, giảm bớt tình trạng mất cân đối về tiếng nói, và nâng cao dần tiếng nói và mức độ đại diện của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển với tốc độ có thể kiểm soát được. Ngoài ra, báo cáo nêu trên cũng khuyến nghị tăng vốn có lựa chọn cho IFC nhằm giúp các định chế trong WB có lá phiếu công bằng hơn và giúp tăng vốn cho IFC.

Các cổ đông cũng nhắc lại quyết tâm hoàn thành mục tiêu kép về xóa bỏ nghèo cùng cực và thúc đẩy chia sẻ thịnh vượng và 4 ưu tiên cơ bản đề ra trong báo cáo Hướng tới tương lai (Forward Look) của WB, gồm: i) sát cánh với mọi khách hàng; ii) đóng vai trò dẫn dắt thực hiện Chương trình nghị sự hàng hóa công toàn cầu; iii) huy động vốn và tạo thị trường; iv) không ngừng nâng cao hiệu quả và hoàn thiện mô hình hoạt động.

Thông cáo của Ủy ban Phát triển nhấn mạnh bối cảnh ra đời đầy thách thức của gói biện pháp vừa qua như sau: “Gói biện pháp ra đời trong bối cảnh phát triển đầy biến động và ngày càng phức tạp. Mặc dù đã đạt được các thành tích đầy ấn tượng trong một vài thập kỷ qua nhưng tốc độ phát triển vẫn chưa đồng đều. Duy trì tốc độ phát triển đã đạt được và giải quyết các thách thức mới đòi hỏi một sự cố gắng không ngừng do môi trường toàn cầu vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi và nhiều biến động trong cơ cấu nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra.”

Ủy ban Phát triển hoan nghênh sự kết thúc thành công các cuộc thảo luận về gói tài chính và chính sách và đã đề nghị Ban giám đốc và Hội đồng quản trị trình nghị quyết lên các Thống đốc vào cuối tháng 6 để kịp phê duyệt vào dịp các cuộc họp hàng năm của năm 2018./.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực