Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế của từng địa phương

Thứ hai, 12/08/2019 15:01
(ĐCSVN) – Trong khuôn khổ 4 Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 tại 4 Vùng trên cả nước, ngày 12/8, Hội nghị Vùng miền Trung và Tây Nguyên đã diễn ra tại Thừa Thiên - Huế.

Tìm giải pháp đột phá về đầu tư công

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, so với các năm trước, năm nay, các hội nghị này thể hiện sự đổi mới về công tác lập và xây dựng kế hoạch hàng năm. Trong đó tập trung hướng dẫn các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công - cách làm mới để nâng cao hiệu quả, tập trung trong công tác lập kế hoạch, tạo sự chia sẻ lẫn nhau , tạo sự gắn kết trong công tác xây dựng kế hoạch giữa các địa phương.

Phát huy vai trò địa chính trị của vùng trong phát triển kinh tế

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là một trong các vùng trọng điểm của cả nước. (Ảnh: HNV)

Khu vực miền Trung – Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước; có diện tích hơn 150 nghìn km2, dân số hơn 24 triệu người. Những năm qua, khu vực có những bước đầu tận dụng tiềm năng trong kinh tế - xã hội và đạt những kết quả tích cực. Năm 2018, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 12/14 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước; Tây Nguyên có 4/5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn cả nước.

Đây cũng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Kết nối giữa hai miền Nam - Bắc. Biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, chiều dài đường bờ biển 1.900 km là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là “bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển của tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn.

Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược thuộc Khu vực Tam giác phát triển Cămpuchia - Lào - Việt Nam. Vùng Tây Nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện-điện mặt trời, nông lâm nghiệp (cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi đại gia súc, rừng…), chế biến nông lâm sản, du lịch. Tây Nguyên có thể coi là “mái nhà của miền Trung”, có chức năng phòng hộ rất lớn, là hậu phương, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng bình quân của 14 tỉnh miền Trung 8,5% và 5 tỉnh Tây Nguyên là 7,3%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

“Theo nhìn nhận của tôi, đây là 2 vùng tiềm năng, có thể tạo ra gắn kết để cùng phát triển. Cụ thể, với gần 1.900km bờ biển, miền Trung rất có lợi thế về phát triển kinh tế biển, là cửa ngõ ra biển. Còn Tây Nguyên là nóc nhà của các tỉnh miền Trung, vì thế sự gắn kết giữa hai vùng sẽ tạo sự phát triển cao hơn. Trong kết nối này, quan trọng nhất là kết nối giao thông ngang, kết nối Đông – Tây giữa các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Việc trao đổi, thảo luận để tìm ra định hướng phát triển giữa hai khu vực là cần thiết và mang lại hiệu quả " – Thứ trưởng Trung nói.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, cách thức tổ chức hội nghị lần này là cách làm mới, tiên phong trong cải cách, sáng tạo làm cơ sở để triển khai kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, nhân dịp này, người đứng đầu tỉnh cũng cam kết cùng đồng hành, chia sẻ với các tỉnh/thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nỗ lực hết mình trong liên kết, phát triển vùng. Theo Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ, hiện nay, Thừa Thiên Huế cũng như nhiều tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn khó khăn về hệ thống hạ tầng; quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Do vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ban, ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho vùng năm 2020, giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo kết nối, mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Chú trọng hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong vùng

Báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển năm 2019, dự kiến năm 2020 của vùng, Vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ Trần Duy Đông thông tin, thời gian qua, các tỉnh trong vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực. Công tác an sinh và phúc lợi xã hội đạt kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, tình hình trật tự giao thông cơ bản đảm bảo.

Hội nghị diễn ra tại Huế. (Ảnh: MPI)

Tuy nhiên, Vụ trưởng Trần Duy Đông cũng cảnh báo một số tồn tại, hạn chế mà vùng cần khắc phục, như: động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có, chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ từ một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông-Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên)... Xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu.

Bện cạnh đó, vùng chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng. GRDP năm 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016-2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân các vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của cả nước. Ngoài ra, việc thu ngân sách chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%.

Thậm chí, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu; nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, đặc biệt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%); nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong những năm tới do dịch chuyển dân số vùng và tỷ lệ già hóa dân số đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời trong thời gian tới.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước. Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.

Dịp này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Quốc Phương đã hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các điểm mới của Luật Đầu tư công. Theo đó, trên cơ sở Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Liên quan tới việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng lưu ý, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, các địa phương cần quan tâm lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng. Các địa phương nghiên cứu kỹ về nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các dự án quan trọng. Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều sự mất cân đối trong sử dụng ngân sách. Đặc biệt, cần lưu ý tới quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cơ bản, chú ý Luật Đầu tư công (sửa đổi), coi đây là căn cứ để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khả thi cao hơn giai đoạn trước.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực