Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý - truyền thông - doanh nghiệp

Thứ bảy, 22/06/2019 16:15

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp thực hiện tốt bảo vệ môi trường

(ĐCSVN) – Với chủ đề: “Chống rác thải nhựa: trách nhiệm quản lý - truyền thông - doanh nghiệp”, Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và Biển đảo lần thứ III (2019) đã là sân chơi chung cho các nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, chính sách và kinh nghiệm trong lĩnh vực rác thải nhựa, rác thải đại dương nhằm đạt đến tiếng nói chung để giảm thiểu tối đa rác thải nhựa ra môi trường.

Sáng 22/6, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và Biển đảo lần III năm 2019 với chủ đề “Chống rác thải nhựa: Trách nhiệm quản lý - truyền thông - doanh nghiệp”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành dự và chủ trì Diễn đàn.

Không thể phủ nhận một thực trạng hiện nay là đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền để báo động và nâng cao ý thức của toàn xã hội với phong trào “Chống rác thải nhựa” đang trở nên cấp thiết.


Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc Diễn đàn (Ảnh: P.V)

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, trong xu thế tin tức hiện nay, chủ đề tài nguyên môi trường luôn là trọng tâm, được cộng đồng đặc biệt quan tâm, được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đăng, phát với dung lượng, thời lượng nhiều hơn, nội dung chuyên sâu hơn; đồng thời các cơ quan báo chí cũng đã thành lập, vận hành các chương trình, chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề về tài nguyên và môi trường.

Tại Diễn đàn, đại diện Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, một số cơ quan quản lý báo chí cung cấp, giới thiệu, làm rõ hơn thực trạng và đưa ra các định hướng, giải pháp nhằm giải thiểu rác thải nhựa; đồng thời, các đại biểu tham dự phát biểu những đề xuất, giải pháp, sáng kiến nhằm kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần...

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Cần thiết phải triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”

Chia sẻ về việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các vật liệu mới thay thế cho việc sử dụng túi nilon, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Việt Nam hiện nay có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. “Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường” – ông Thức cảnh báo.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Rác thải hiện chủ yếu được tập trung, xử lý tại các bãi rác và một phần trôi nổi ra biển. Trước thực trạng này, Chính phủ từ lâu đã có những quan tâm và chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng những đề án, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa.

Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thị Thu Hoài phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: HNV)

Lúc này, báo chí truyền thông đang được coi là kênh thông tin hiệu quả đối với phong trào. Đánh giá về trách nhiệm của công tác tuyên truyền, báo chí trong Phong trào “Chống rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, để cuộc vận động chống rác thải nhựa đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung vào nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, chú trọng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chống chất thải nhựa, bảo vệ môi trường sống không chỉ trong hiện tại mà còn về lâu dài... Đồng thời, cần tuyên truyền những chính sách của cả Trung ương và địa phương đối với việc bảo vệ môi trường; trong đó có chống rác thải nhựa. Phản ánh sâu rộng sáng kiến của các địa phương trong phong trào chống rác thải nhựa...

Chung tay với cuộc chiến “Chống rác thải nhựa”

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ông Hoàng Văn Thức đã chia sẻ một số nhóm giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải nhựa hiện nay, đồng thời thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa: 1) Nhóm giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa; 2) Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa; 3) nhóm giải pháp về tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong triển khai phong trào chống rác thải nhựa; 4) Nhóm giải pháp tăng cường sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tấn báo chí; 5) Nhóm giải pháp về phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các vật liệu mới thay thế cho việc sử dụng túi nilon.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo nhấn mạnh thêm về việc Chính phủ hiện đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng Kế hoạch) và Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào ngày 17/6/2019, với 7 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: 1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; 2) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa đại dương; 3) Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ đất liền; 4) Ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên biển; 5) Tăng cường xã hội hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động làm sạch, thu gom rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương; 6) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về rác thải nhựa đại dương; và 7) Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương.

 

Ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường trao Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp có đóng góp tích cực trong phong trào chống rác thải nhựa (Ảnh: P.V)

Các đại biểu tham dự đều bày tỏ hy vọng Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và biển đảo sẽ góp phần kéo gần khoảng cách hơn nữa giữa các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, doanh nghiệp với người dân trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Đúng như chia sẻ của nhà báo Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường, công tác tuyên truyền chống rác thải nhựa hiện nay vừa quan trọng vừa nhạy cảm nên Báo Tài nguyên và Môi trường muốn tổ chức Diễn đàn Nhà báo với Môi trường và biển đảo thường niên để có mối tương tác sâu rộng hơn giữa các cơ quan báo chí trong nhiệm vụ chống rác thải nhựa. Từ những tham luận, đóng góp của các đại biểu tham dự, Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng kết và báo cáo lãnh đạo Bộ. Nhà báo Lý Thị Hồng Điệp cũng hi vọng các cơ quan báo chí, truyền thông giúp thay đổi hành vi của người dân, đồng thời tiếp tục đồng hành với Báo trong các diễn đàn tiếp theo với nội dung sâu sắc hơn và có nhiều hành động hơn.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực