Cần Thơ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ năm, 28/12/2017 19:04
UBND thành phố Cần Thơ vừa triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố.
Thành phố Cần Thơ. Ảnh: TTXVN.

Mục tiêu chung là phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Ông Lê Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, từ năm 2016, thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ được tập trung hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai thuận lợi mà còn tiếp cận vốn vay ưu đãi và phát triển thị trường. Đặc biệt, mọi phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp đều được thành phố tiếp nhận và tiến hành xử lý vào thứ hai hàng tuần, gọi là “Ngày thứ hai doanh nhân”.

Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đưa ra 4 giải pháp chính để thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp lập doanh nghiệp mới theo hướng lập nghiệp và khởi nghiệp; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố; phát triển hộ kinh doanh cá thể lên mô hình doanh nghiệp; vận động các chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty, doanh nghiệp chuyển đổi sang thành lập doanh nghiệp trực thuộc đóng trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chương trình thúc đẩy khởi nghiệp của thành phố Cần Thơ cũng đang phải đối mặt với không ít trở ngại.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Linh, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ, nguyên nhân chính gây khó khăn cho quá trình khởi nghiệp của Cần Thơ là do đặc thù nền kinh tế vùng từ lâu dựa chủ yếu vào nông nghiệp nên yếu tố rủi ro thời vụ cao. Hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm nông nghiệp truyền thống cũng thấp, lâu dần làm giảm tính sáng tạo trong các ý tưởng khởi nghiệp. Những điều này khiến các nhà đầu tư cảm thấy không mặn mà để bỏ vốn do lo ngại về khả năng thu hồi, chưa nói đến việc sinh lợi về sau.

Một yếu tố khách quan khác là người dân đồng bằng đang thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh, trình độ và tay nghề cũng thấp. Thêm nữa, do là vùng nông nghiệp truyền thống nên nhiều người còn tâm lý an nhàn, sợ rủi ro dẫn đến không dám mạnh dạn mạo hiểm, sáng tạo, các nhà đầu tư cũng không an tâm rót vốn.

Thực tế trên cho thấy yêu cầu về kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính đổi mới, tập trung vào việc phát triển hạ tầng khởi nghiệp và khuyến khích ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, hiệu quả, qua đó thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư đối với thành phố Cần Thơ hiện nay là rất cấp thiết.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian tới, thành phố chủ trương tìm kiếm, tuyển chọn và tập hợp các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng, dự án khởi nghiệp mới mẻ, sáng tạo và có triển vọng phát triển nhất để tiến hành đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sẵn có, tiến tới hình thành Khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thành phố hỗ trợ thành công cho ít nhất 10 cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn thiện kế hoạch kinh doanh và gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư để bắt đầu đi vào hoạt động thực tiễn.

Để thực hiện thành công những nội dung nêu trên, từ năm 2018, UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát dựa trên các tiêu chí môi trường pháp lý, nguồn nhân lực, mật độ, văn hóa và vốn đầu tư để đánh giá thực trạng của hệ sinh thái khởi nghiệp Cần Thơ bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường bưu điện, trực tuyến.

Bên cạnh đó, từ năm 2018 – 2025, các đơn vị Sở, ngành hữu quan của thành phố sẽ phối hợp tổ chức ít nhất 3 hội nghị, hội thảo và tọa đàm mỗi năm để giới thiệu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng diễn đàn trực tuyến và truyền thông qua hệ thống mạng xã hội về tình hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Cần Thơ với các địa phương khác và quốc tế.

Hàng năm, thành phố sẽ tổ chức các lớp đào tạo cơ bản, nâng cao và chuyên sâu về nhận thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo tâm thế khởi nghiệp và khuyến khích ý chí sang tạo cho các đối tượng là học sinh, sinh viên và thanh niên từ các viện, trường để phát triển và hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh doanh, phương thức gọi vốn đầu tư và các kỹ năng cần thiết khác trong quá trình khởi nghiệp.

Đặc biệt, trong giai đoạn năm 2018 – 2020, thành phố sẽ tiến hành 3 dự án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Cần Thơ hình thành và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tổng kinh phí thực hiện gần 15 tỷ đồng. Dựa trên kết quả thực hiện kế hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai cho giai đoạn 2021 – 2025./.

Hồng Giang/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực