Cần siết chặt quản lý hoạt động tín dụng tiêu dùng

Thứ năm, 16/11/2017 22:44
(ĐCSVN) - Những năm qua, tín dụng tiêu dùng có những bước phát triển mạnh, với nhu cầu ngày một nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây mọc lên rất nhiều hình thức cho vay tín chấp không phải của các tổ chức tín dụng khiến tính cạnh tranh của các công ty tài chính không được công bằng và người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Tài chính tiêu dùng phát triển sôi động

Tại Việt Nam, tài chính tiêu dùng được thực hiện qua 3 kênh chính là cho vay tiêu dùng chính là các ngân hàng cho vay phục vụ đời sống, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng và các đơn vị dịch vụ cầm đồ cho vay tiêu dùng thông qua việc cầm đồ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước công bố, cả nước hiện chỉ có 16 đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Trong những năm gần đây xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân đang tạo ra những động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam. Theo số liệu của Ủy ban giám sát tài chính, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 20–30%/năm liên tục kể từ năm 2010, tính đến cuối năm 2016, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có quy mô 646.000 tỷ đồng (tương đương 28 tỷ USD), gần gấp đôi so với dự đoán 15 tỷ USD được đưa ra chỉ một năm trước đó. Trong 10 tháng năm 2017 tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh với những xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.

Tại khu vực châu Á, Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ tiêu dùng trên GDP cao nhất. Theo các chuyên gia, điều này có được là do Việt Nam có quy mô dân số trẻ, mức thu nhập chưa cao nhưng thị trường hàng hóa tiêu dùng lại đang thu hút sự phát triển mạnh mẽ.

Không dừng lại ở đó, thị trường tài chính tiêu dùng còn được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, thị trường tài chính tiêu dùng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu của người dân.

Siết chặt quản lý

Nhu cầu vay tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi khá nhiều so với 5 năm trước đây, với những khoản vay nhanh chóng, chỉ cần 15-20 phút là phê duyệt xong khoản vay. Hơn nữa, các khoản vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, khách hàng có mức thu nhập thấp nên không đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại. Các công ty tài chính với dịch vụ tín dụng tiêu dùng ra đời nhằm đáp ứng được những tiêu chí đó. Tuy nhiên, với tâm lý thích “tiền tươi, thóc thật”, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào các công ty tài chính bên cạnh đó còn xuất hiện một số “biến tướng” của các công ty không được phép hoạt động tín dụng tiêu dùng nhưng vẫn bằng nhiều hình thức để thực hiện cho vay tiêu dùng, điều này khiến hoạt động của các công ty tài chính vẫn chưa có sự cạnh tranh lành mạnh.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, các ngân hàng cho vay phục vụ đời sống, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng là các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhìn chung cho vay chặt chẽ, bài bản theo đúng quy định của pháp luật. Riêng loại hình cầm đồ cho vay tiêu dùng thông qua việc cầm đồ, tín dụng “đen”, là loại hình kinh doanh có điều kiện, thường vi phạm khá nghiêm trọng về hoạt động cho vay ở chỗ, vượt khỏi phạm vi cho vay cầm đồ, tức là cầm cố động sản, mà cho vay cả thế chấp động sản và bất động sản, cho vay không có bảo đảm (thực tế thường gọi là tín chấp) hoặc bảo đảm không bằng tài sản như chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên, bằng đại học, sổ hưu trí,...

“Đó không phải là hoạt động lách luật mà trái luật. Tuy nhiên hầu như không ai, kể cả cơ quan chức năng nhận thức đúng và xử lý vi phạm này. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ cho vay tín chấp không phải của các tổ chức tín dụng như trên là sự lấn sân hoạt động của các tổ chức tín dụng, chính là một hoạt động ngân hàng trái phép theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.” - LS Trương Thanh Đức khẳng định. 

Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, tốc độ tăng cho vay tiêu dùng trên GDP là quá nhanh, trong khi huy động tiết kiệm chưa tốt. Ông Nghĩa còn cho rằng, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP ở Việt Nam cao hơn nhiều nước châu Âu, Mỹ là không bình thường. Do đó, nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 39/2016 và Thông tư 43/2016  để điều chỉnh hoạt động cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính đã có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện, đưa ra những sản phẩm tín dụng phù hợp.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải củng cố hành lang pháp lý để siết chặt quản lý hoạt động tín dụng tiêu dùng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cần phải phát triển tín dụng tiêu dùng một cách bài bản, ít nhất là một dạng kinh doanh có điều kiện, có đăng ký, kế toán, nộp thuế, giám sát, điều kiện tối thiểu, lãi suất cho tự do... Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế (Đề án 1726), các chuyên gia đã nhận xét, đây là đề án có tác động rất tích cực nên cần được thực hiện quyết liệt, bên cạnh đó, Việt Nam cần hình thành phát triển tài chính toàn diện, để mọi nhu cầu vay vốn được đáp ứng một cách hiệu quả, an toàn. Nhờ đó, hệ thống ngân hàng sẽ có thêm nguồn lực, lợi nhuận để phát triển, đầu tư hiệu quả hơn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nhận định, nhiều quy định trong hệ thống pháp luật chưa rõ ràng để đảm bảo cạnh tranh, ví dụ như: Khái niệm cho vay tiêu dùng còn mập mờ; chưa có sự khác biệt về lãi suất giữa tổ chức tín dụng và công ty tài chính dưới dạng chuỗi hệ thống cầm đồ (tổ chức tín dụng không giới hạn lãi suất, nhưng các công ty tài chính dưới dạng cầm đồ lại bị áp dụng không quá 20%/năm), điều này khiến thị trường chưa tạo được sự cạnh tranh, tạo điều kiện cho công ty tài chính phát triển. Hơn nữa, việc xử lý tài sản thế chấp của công ty tài chính đều theo quy định chung, trong khi rõ ràng vay tiêu dùng có tiêu chí và phương thức khác với hình thức vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là cơ hội để cho các loại hình tín dụng tiêu dùng “chui” phát triển đem lại rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, chiêu thức giải ngân nhanh chóng, thủ tục đơn giản đã đánh trúng vào tâm lý của người tiêu dùng. Tuy nhiên thực tế là  người đi vay ít biết được lãi suất khoản vay của mình như thế nào. Nhất là khi làm hợp đồng, nhân viên giao dịch chủ yếu tư vấn lãi suất theo tháng, nhưng thực tế, tổng hợp lại mức lãi suất của cả năm cộng với các chi phí phát sinh thêm, khiến người vay phải trả lãi cao ngất ngưởng.

“Vì vậy, muốn thị trường cho vay tiêu dùng minh bạch, công bằng, hợp lý thì cần dẹp các hoạt động cho vay bất hợp pháp diễn ra một cách công khai, chính thức, đồng thời khuyến khích việc phát triển số lượng và sự cạnh tranh của các tổ chức tín dụng chính thức”, LS Trương Thanh Đức nhận định.

Ngoài ra, theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý hoàn thiện hành lang pháp lý còn phải tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng của người dân theo xu hướng phát triển chung của thế giới. Bản thân người tiêu dùng cần cân nhắc khả năng tài chính của mình trước khi vay, đọc kỹ các điều khoản trước khi đặt bút ký vào những khoản vay trong hợp đồng nhằm tránh hiểu sai, tránh những rủi ro không đáng có./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực