Cà Mau siết chặt quản lý trong nuôi tôm siêu thâm canh

Thứ ba, 22/05/2018 21:09
Do đây là mô hình nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho nên tỉnh Cà Mau khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm siêu thâm canh theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh)

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ tình hình nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là kiểm soát tốt việc nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển tăng nhanh về diện tích, sản lượng trên địa bàn tỉnh. Nếu huyện nào để xảy ra trường hợp người dân nuôi tôm gây ra ô nhiễm môi trường thì Chủ tịch UBND huyện đó sẽ phải chịu kiểm điểm trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Do đây là mô hình nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho nên tỉnh Cà Mau khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm siêu thâm canh theo quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ áp biện dụng biện pháp siết chặt quản lý về nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời buộc khắc phục hậu quả đối với những hộ nuôi tôm có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng nuôi thủy sản.

Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm công nghiệp hơn 9.600 ha, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 109.000 ha. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường trong nuôi tôm, cơ quan chức năng tỉnh đang xúc tiến lập dự án thí điểm xây dựng vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, với quy mô vừa phải bằng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp tham gia dự án.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Đầm Dơi và các sở, ngành có liên quan tổ chức khảo sát, định hướng xây dựng mô hình vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung của tỉnh và dự án đầu tư nuôi tôm nuôi tôm siêu thâm canh tập trung của doanh nghiệp. Tỉnh sẽ mời gọi, chọn lựa doanh nghiệp có năng lực và tâm huyết đăng ký thực hiện dự án kể trên.

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Nguyễn Chí Thuần cho hay, để tạo được sự đồng thuận cao của người dân trong việc giao đất cho dự án hoặc hợp tác với doanh nghiệp thực hiện thí điểm dự án nuôi tôm siêu thâm canh tập trung tại xã Tân Duyệt thì biện pháp trước mắt cần phải tổ chức họp dân công khai phổ biến rõ chủ trương của tỉnh. Sau đó là tổ chức tuyên truyền, vận động, trên cơ sở hợp tình hợp tình, hợp lý, đảm bảo tốt quyền lợi cho người dân trong vùng dự án.

Ngoài ra, UBND các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân... cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra chấn chỉnh việc nuôi tôm gây ô nhiễm môi trường; hướng dẫn các hộ nuôi tôm áp dụng kỹ thuật, quy trình xử lý nước thải, chất thải trong nuôi tôm, nhằm để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm.

Thời gian qua, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau phát triển với tốc độ khá nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại rất lớn. Nhiều hộ dân đã nhanh chóng trở thành tỷ phú nhờ áp dụng mô hình nuôi mới này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương sẽ không chấp nhận việc các hộ dân đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà xem nhẹ trách nhiệm bảo vệ môi trường./.

Kim Há/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực