Bộ Tài chính: Thực hiện quy định mới sẽ giảm thất thoát tài sản công

Thứ sáu, 18/05/2018 00:04
(ĐCSVN) – Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã tích cực tổ chức tuyên truyền về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đến tất cả các bộ, ngành, địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng.

Hình ảnh tại buổi Họp báo (Ảnh:M.P)

Đó là thông tin ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính tổ chức chiều 17/5.

Sau gần 5 tháng kể từ ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực (ngày 1/1/2018), thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 12 văn bản (11 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) nhằm kịp thời hướng dẫn thi hành Luật.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng, huy động khai thác sử dụng tiết kiệm có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công để phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, để đạt được mục tiêu của Luật, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra những quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục thực hiện các nội dung trong quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (mua sắm, thuê tài sản, sử dụng tài sản công để tham gia dự án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại); quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công. 

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP cũng quy định việc sử dụng, khai thác có hiệu quả tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể Nghị định hướng dẫn xây dựng Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; trong đó, việc lựa chọn đối tác tham gia liên doanh, liên kết sẽ được thực hiện trên cơ sở thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác và 5 tiêu chí (năng lực, kinh nghiệm của đối tác; hiệu quả của phương án tài chính; cơ sở vật chất, trang thiết bị của đối tác; phương án xử lý tài sản sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết; tiêu chí khác).

Trong thực tế, thời gian qua, có nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng tài sản công để kinh doanh, hoặc cho thuê để kinh doanh. Dẫn đến nhiều trường hợp đất công bị "xẻ thịt", điển hình là các công viên, bảo tàng kinh doanh thêm cả quán cà phê, nhà hàng, bể bơi. Điều này dẫn đến việc tài sản công bị biến tướng mục đích sử dụng. Chưa kể, có nhiều trường hợp đất công chuyển nhượng không qua đấu giá dẫn đến thất thoát tài sản công.

Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản công chỉ được sử dụng kinh doanh khi tài sản đó được giao thực hiện nhiệm vụ Nhà nước nhưng chưa sử dụng hết công suất; sử dụng tài sản công đảm bảo đúng mục đích đầu tư xây dựng, mua sắm và công năng cũng như chức năng nhiệm vụ được giao của đơn vị. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm dần tình trạng thất thoát tài sản công.

Số liệu mới nhất được ông Nguyễn Tân Thịnh cung cấp cũng cho biết trong năm 2017, tiền thu được từ sử dụng đất xấp xỉ 127.000 tỷ đồng, tiền cho thuê đất thu được xấp xỉ 27.000 tỷ đồng.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng có quy định về mua sắm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo phương thức tập trung theo hướng điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tế triển khai mua sắm tập trung thời gian vừa qua như: nguồn vốn thực hiện mua sắm tập trung, lộ trình mua sắm tập trung cấp quốc gia, xử lý việc mua sắm đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung phát sinh đột xuất trong năm, xử lý mua sắm đối với tài sản thuộc dự án đầu tư xây dựng nằm trong danh mục tài sản mua sắm tập trung.

Một trong những vấn đề được đề cập liên quan đến Luật này là việc tiếp nhận tài sản biếu tặng của các cơ quan nhà nước sẽ được quản lý như thế nào? Bởi thực tế, đã có doanh nghiệp muốn tặng xe ô tô có giá trị cao cho các cơ quan nhà nước, dẫn đến việc rất khó quản lý những tài sản này.

Trao đổi tại buổi họp báo, ông Thịnh cho biết với trường hợp tiếp nhận quà tặng của các tổ chức cá nhân, trước khi xác lập quyền sở hữu toàn dân và giao cho một đơn vị nào đó, điều bắt buộc là phải thành lập hội đồng định giá. Điều này theo ông nhằm định giá lại tài sản cho sát với giá thị trường. Việc định giá sẽ khắc phục được việc các cơ quan tiếp nhận tài sản sang quá mức so với tiêu chuẩn, định mức.

Ông Thịnh cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công còn lại.

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tổ chức hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công. 

Các bộ, ngành địa phương cần rà soát danh mục tài sản mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục mua sắm tập trung đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của bộ, ngành, địa phương./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực