Bài 3: Mô hình quan hệ sản xuất nông nghiệp nào là phù hợp?

Thứ sáu, 17/03/2017 15:03
(ĐCSVN) - Việc phát triển hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn luôn cần tới một điều kiện cần là đất đai không manh mún, diện tích đất sản xuất phải đủ rộng để áp dụng được quá trình cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng hiệu quả và áp dụng công nghệ cao.

Con đường tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam (Bài 1: Ngữ cảnh và những bài học kinh nghiệm)

Con đường tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam (Bài 2: Động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp)

Chính sách Nhà nước thu hồi đất của ta được coi như rất tiến bộ so với nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Kể từ Luật Đất đai 2003, Nhà nước không cho phép thu hồi đất của nông dân để giao cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp. Đây là chính sách bảo hộ rất tốt cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp không thể vận dụng cơ chế hành chính để lấy đất của nông dân, chỉ còn có cách hợp tác với nông dân để tiếp cận đất đai và tạo ra lợi ích cho cả hai bên.

Đương nhiên, việc phát triển hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn luôn cần tới một điều kiện cần là đất đai không manh mún, diện tích đất sản xuất phải đủ rộng để áp dụng được quá trình cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng hiệu quả và áp dụng công nghệ cao. Nói cách khác, từ mặt bằng đất đai rất manh mún sau khi Nhà nước thực hiện giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình nông dân, Nhà nước cần hình thành các chính sách phù hợp để tập hợp đất đai thành các cánh đồng rộng lớn. 

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Trong các nghiên cứu ở nước ta, các nhà khoa học và quản lý đã phân biệt quá trình tập hợp này thành 2 trường hợp: thứ nhất là tập hợp được đất đai nhưng không làm thay đổi chủ sử dụng đất, được gọi là “tập trung đất đai”, dựa chủ yếu vào các quyền chuyển đổi, cho thuê, góp vốn hoặc hợp tác sản xuất; thứ hai là tập hợp được đất đai nhưng làm thay đổi chủ sử dụng đất, được gọi là “tích tụ đất đai”, dựa chủ yếu vào quyền chuyển nhượng.

Quá trình “tập trung” hay “tích tụ” đất đai có liên quan tới việc tạo lập các quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp. Từ những thử nghiệm thực tế tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Hà Nam, An Giang, Thanh Hóa, Sơn La, v.v. có thể đưa ra một số kết luận bước đầu về mô hình quan hệ sản xuất nào là phù hợp.

Mô hình dồn điền, đổi thửa 

Sau khi giao đất của hợp tác xã nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên nguyên tắc bảo đảm công bằng “có tốt - có xấu, có gần - có xa, có cao - có thấp” đã gây ra tình trạng quá manh mún đất đai. Mỗi hộ gia đình có rất nhiều thửa đất nhỏ, mỗi thửa chỉ vài chục mét vuông. Ngay từ khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực thi hành, nhiều địa phương đã thực hiện quá trình người nông dân thương thảo để đổi đất cho nhau để mỗi hộ có chỉ hai hay ba thửa đất lớn. Quá trình này được gọi là “dồn điền, đổi thửa” để khắc phục một bước tình trạng manh mún đất đai, thuộc phạm vi tập trung đất đai, không ai bị mất đất, tạo hiệu quả canh tác cao hơn đối với từng hộ nông dân. Nói chung, mô hình “dồn điền, đổi thửa” thành công ở nhiều nơi nhưng cũng có thất bại xẩy ra khi cán bộ lợi dụng để lấy những thửa đất tốt và dồn đất xấu cho dân.

Mô hình “dồn điền, đổi thửa” lại được áp dụng mạnh mẽ trong mấy năm qua khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới với phạm vi rộng hơn sắp xếp lại quỹ đất sao cho phù hợp với quy hoạch. Tất nhiên, khả năng tạo cánh đồng lớn “dồn điền, đổi thửa” là không cao vì sau dồn đổi cũng không vượt quá được tổng diện tích đất được giao. Mô hình này chỉ có thể được coi là sự khởi đầu của quá trình “tập trung đất đai”.

Mô hình trang trại hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, doanh nghiệp hộ gia đình

Theo quy luật chung trên thế giới, mô hình trang trại quy mô lớn của hộ gia đình, nhóm hộ gia đình hay doanh nghiệp hộ gia đình được coi như cách thức phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Cách thức mở rộng đất đất đai dựa trên cả cơ chế “tập trung” và “tích tụ”. Một nhóm hộ có thể góp đất đai là trang trại chung, họ có thể tiếp tục thuê đất hoặc nhận góp vốn bằng đất của các hộ khác không có nhu cầu làm nông nghiệp, hoặc nhận chuyển nhượng của những hộ hoàn toàn muốn rời bỏ nông nghiệp. Các hộ này có thể thành lập doanh nghiệp hoặc không thành lập doanh nghiệp tùy theo hướng phát triển của trang trại.

Mô hình trang trại như vậy đã được hình thành và vận hành ở khá nhiều địa phương do nhiều nông dân có trình độ khởi xướng. Đây là mô hình phát triển mang tính tự nhiên, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực của những nông dân tiên tiến, thực sự muốn đi lên, làm giầu từ nông nghiệp. Các trang trại lớn đang được hình thành và phát triển mạnh trên cơ sở áp dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng, An Giang, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, v.v.

Mô hình hợp tác xã kiểu mới

Sự thực, người nông dân cũng có những định kiến nhất định về mô hình hợp tác xã trong thời kỳ kinh tế bao cấp, không tin cậy khi mà rủi ro tham nhũng có thể xẩy ra mà các xã viên không thể kiểm soát được. Trong thời gian qua, một số mô hình hợp tác xã kiểu mới đã được hình thành. Hợp tác xã chỉ giúp các hộ xã viên những khâu dịch vụ như cung cấp cây, con giống; tìm kiếm quy trình sản xuất hiện đại; hay tập trung tiếp cận thị trường để bao tiêu sản phẩm. Các hộ gia đình vẫn tự canh tác trên đất đai của mình theo một quy trình sản xuất được hợp tác xã hướng dẫn.

Mô hình các hợp tác xã kiểu mới như vậy đã được thành lập và vận hành ở Sơn La, Đà Lạt (Lâm Đồng) và cũng đã mang lại một số kết quả tốt. Mặc dù vậy, trên thực tế cho thấy mô hình này chưa có sức hút lớn đối với các hộ nông dân, chưa thể khẳng định được vai trò chủ đạo trong phát triển nông nghiệp quy mô lớn dựa trên công nghệ cao, hạ tầng hiện đại.

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp nông nghiệp chuyên nghiệp và các hộ nông dân

Đây là mô hình được bàn đến và khuyến khích thử nghiệm trong vài năm qua mang tên “cánh đồng mẫu lớn” hay “cánh đồng lớn”. Thử nghiệm đầu tiên được thực hiện tại An Giang với sự tham gia của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Đồng thời, tại Lâm Đồng, doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân Phong Thúy cũng đã có mô hình hợp tác sản xuất với các hộ nông dân sản xuất rau và hoa mang lại hiệu quả rất cao. Vài năm qua, mô hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Tập đoàn Cao su để phát triển cao su tại Sơn La dưới sự lãnh đạo của UBND tỉnh cũng là một mô hình đang được vận hành. Tại Hà Nam, một mô hình UBND cấp huyện thuê lại đất của nông dân để cho doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân thuê lại để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được phát triển. Theo đánh giá chung, hợp tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng nông dân là mối quan hệ sản xuất có triển vọng nhất dựa trên nguyên tắc nông dân có đất, doanh nghiệp có tài chính và công nghệ để nâng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản./.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực