Bắc Ninh: Chú trọng liên kết giữa thương mại và công nghiệp phụ trợ

Thứ sáu, 20/07/2018 10:10
(ĐCSVN) - Trên đà những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2018, theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, tỉnh sẽ tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp; đặc biệt chú trọng sự liên kết giữa dịch vụ thương mại và công nghiệp phụ trợ.
Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 476.127 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 28,9% so với năm trước. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 24.753,4 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 6 tháng đầu năm trước. Đáng chú ý là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường bán lẻ, tăng 16,7%.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 16.846 triệu USD, tăng 40,6% so với 6 tháng đầu năm trước, đạt 58,2% kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung ương và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều sụt giảm so cùng kỳ năm trước (chỉ bằng 88,1% và 73,3%) nhưng bù lại có sự gia tăng giá trị xuất khẩu của một số doanh nghiệp FDI, tính riêng khu vực này ước đạt 16.421,5 triệu USD (chiếm 98,7% tổng giá trị xuất khẩu).

Về thương mại dịch vụ phát triển theo hướng công nghiệp, hiện nay, Bắc Ninh có lực lượng lao động từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các dịch vụ ẩm thực, cửa hàng tiện ích khá phát triển.

Bên cạnh đó, với Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại, tỉnh đã làm điểm tại thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn với những tuyến phố thương mại hiện đại.

Song song với những kết quả đạt được, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh Tạ Đăng Đoan, khó khăn lớn nhất của công nghiệp Bắc Ninh hiện nay là chủ yếu phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài khi khối FDI chiếm tới 90-91% về giá trị sản xuất, các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 9%. Đây cũng là vấn đề trăn trở của địa phương nhằm không ngừng thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Trong những tháng cuối năm 2018, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Tạ Đăng Đoan, ngành sẽ tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy nghiên cứu sự liên kết giữa dịch vụ thương mại và công nghiệp phụ trợ.

Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển logistic, xây dựng và phát triển trung tâm bán buôn tại Từ Sơn với diện tích 5 ha để kết nối giữa thương mại với công nghiêp. Bên cạnh đó, được Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Công Thương đồng ý quy hoạch khoảng 200 ha là khu phức hợp trung tâm bán buôn nông sản tại Thuận Thành, kết nối giữa các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang. Cùng với đó, khu vực Yên Phong sẽ xây dựng trung tâm thương mại quốc tế, hiện nay đã có chủ trương và đang tiến hành khảo sát.

Với việc sản xuất công nghiệp còn phụ thuộc lớn vào khu vực đầu tư nước ngoài, theo Phó Giám đốc Tạ Đăng Đoan, các doanh nghiệp trong nước cần tự chủ sản xuất, chú trọng đến công nghiệp phụ trợ nhằm tạo ra những chi tiết phục vụ cho nhu cầu của sản xuất sản phẩm công nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước cần tạo ra được chỗ đứng trong chuỗi sản xuất công nghiệp của toàn cầu.

Riêng về vấn đề này, trong năm 2016-2018, Bắc Ninh đã phối hợp với Samsung cải tiến được khoảng 40 doanh nghiệp, hiện nay đã có 5 doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, thiết bị trực tiếp cho Samsung, Canon và một số đơn vị khác. Trong đó, có những doanh nghiệp chuyên về chip điện tử, có doanh nghiệp chuyên về sản xuất bao bì hay cung cấp toàn bộ hệ thống dây điện.

Cùng với đó, kết hợp với các cụm công nghiệp làng nghề để thực hiện chương trình sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, Sở Công Thương đang đề xuất với Bộ Công thương và tỉnh nghiên cứu xây dựng trung tâm liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Từ đó, xác định nhu cầu của các doanh nghiệp cần cho sản xuất để cùng phối hợp triển khai đáp ứng.

Ngoài ra, ngành Công Thương của tỉnh chú trọng đến việc đẩy mạnh quá trình đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống; thực hiện tốt Cuộc vận động ‟Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Namˮ; kết hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường chống gian lận thương mại; đồng thời, triển khai các chương trình, dự án, đề án, hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại,…/.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực