Bạc Liêu: Ngành tôm chiếm 42% GRDP toàn tỉnh

Thứ bảy, 01/12/2018 20:17
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, sau 10 năm (2008 - 2018) được chọn làm khâu đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành tôm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, luôn giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 42% GRDP toàn tỉnh.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao kiểm soát toàn bộ
chu trình nuôi thông qua công nghệ cho ăn tự động. (Ảnh: K.V)

Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, năm 2008, tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh là 120.924ha, đến nay đã tăng lên trên 131.600ha, tăng bình quân mỗi năm 0,95%; sản lượng tôm từ 63.985 tấn vào năm 2008, đến nay đã tăng lên trên 116.300 tấn, tăng bình quân mỗi năm 6,87%. Trong 10 năm qua, ngành tôm đã góp phần đem lại giá trị sản xuất ngành thủy sản của Bạc Liêu là trên  29.700 tỷ đồng.

Tỉnh Bạc Liêu được Chính phủ cho phép thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và tiến tới xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hơn 280 hộ dân áp dụng các mô hình này.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã kiểm soát toàn bộ chu trình nuôi thông qua công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải đang dần hình thành (biogas). Đặc biệt, với quy trình nuôi ứng dụng công nghệ cao này, đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tôm nuôi lớn nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro thấp, cho năng suất cao và hơn cả là góp phần bảo vệ môi trường nuôi, hướng đến xây dựng thành công quy trình nuôi tôm bền vững cho năng suất, chất lượng cao. Đây được đánh giá là những thay đổi đột phá cho nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu hiện nay khi người nuôi gần như kiểm soát hoàn toàn quá trình sinh trưởng và chất lượng của con tôm công nghiệp.

Nhiều công ty, doanh nghiệp đã ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi tôm. Trong đó, Công ty Việt Úc Bạc Liêu đã đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước nuôi tôm. Đây là đỉnh cao công nghệ ngành tôm thế giới và Bạc Liêu là địa phương đầu tiên trong cả nước có cơ sở nuôi tôm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới.

Là địa phương có điều kiện tự nhiên, thời tiết phù hợp để nuôi tôm và sản xuất con giống, chính vì vậy, tỉnh Bạc Liêu chiếm hơn 50% vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 20% cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao. Trên địa bàn tỉnh hiện cũng có nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm có tổng công suất dẫn đầu cả nước, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm tôm của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, Bạc Liêu đã xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp làm hạt nhân cho chuỗi giá trị sản xuất tôm với sự tham gia của nông dân; triển khai xây dựng thương hiệu tôm Việt nhằm khẳng định vị thế con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Để phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, tỉnh Bạc Liêu đã và đang đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, đó là tăng cường các hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiếp cận thị trường đầu ra cho nông thủy sản của tỉnh; tăng cường năng lực dự báo và thông tin thị trường trong nước và quốc tế đến với nông hộ, doanh nghiệp. Tỉnh cũng đẩy mạnh việc quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa...

Về giải pháp trước mắt, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người nuôi tôm ứng dụng các mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, ít rủi ro; tăng cường kiểm soát con giống, mầm bệnh, môi trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm. Một trong những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến một vụ nuôi tôm đạt hiệu quả cao đó chính là chất lượng con giống. Bên cạnh đó, để một vụ nuôi thành công, quy trình nuôi cũng cần phải được đầu tư kỹ lưỡng; tuyệt đối người nuôi tôm không chạy theo phong trào, sản xuất ngoài quy hoạch, không có thông tin về thị trường…

Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2020 có từ 4 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên, trong đó có 3 vùng nuôi trồng thủy sản và 1 vùng sản xuất giống thủy sản. Đến năm 2025 có từ 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên, trong đó có từ 9 vùng nuôi trồng thủy sản và 1 vùng sản xuất giống thủy sản, quy mô 2.070ha, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đến năm 2020 đạt 750 triệu USD và năm 2025 đạt 1 tỷ USD.

Để hoàn thành các mục tiêu này, Bạc Liêu sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân được hưởng chính sách theo quy định hiện hành. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội nuôi tôm công nghệ cao được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm. Tiếp tục thực hiện và triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, giúp các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia bảo hiểm tôm nuôi./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực