Bắc Giang mùa vải ngọt

Thứ ba, 25/06/2019 22:50
(ĐCSVN) - Với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, những năm gần đây, vải thiều đang trở thành cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Bắc Giang. Hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định… mùa thu hoạch vải thiều đã thực sự là “mùa vui”, “mùa vàng” của người nông dân nơi đây.

Giá vải thiều cao kỷ lục

Những ngày này, có mặt tại Quốc lộ 31 đoạn từ phố Kim (xã Phượng Sơn) về thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), chúng tôi được tận mắt chứng kiến niềm vui được mùa vải của nông dân Bắc Giang. Tại đây luôn tấp nập xe cộ, người mua, người bán vải nối đuôi nhau. Các chuyến xe đầy ắp những chùm vải chín mọng liên tục tỏa đi các hướng. Năm nay thời gian thu hoạch vải thiều ở Bắc Giang sớm hơn mọi năm. Tại nhiều địa phương, bà con đã bắt đầu thu hái vải từ cuối tháng 5; vải thiều thu hoạch tập trung từ ngày 5/6 đến ngày 5/7. Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, thời điểm này vải thiều Bắc Giang đang vào chính vụ và hiện giá vải thiều cũng tăng cao, dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/kg tùy theo chất lượng trái vải; cao điểm giá vải sớm loại đẹp tại Lục Ngạn có lúc bán được trên 70.000 đồng/kg. Người trồng vải ở Bắc Giang rất phấn khởi bởi đây là mức giá thu mua “kỷ lục” khi cao gấp 2 lần so với vụ vải năm ngoái 2018.

Được mệnh danh là “vựa vải” lớn nhất tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích trồng vải thiều Lục Ngạn năm 2019 là 15.290ha, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP là trên 12.000ha. Ước tính sản lượng đạt hơn 80.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 13.000 tấn, vải thiều chính vụ khoảng 67.000 tấn. Vừa nhanh tay cắt những chùm vải đến kỳ thu hoạch, anh Thăng Văn Hải ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn vừa vui vẻ cho biết: “Với 7 ha vải, thu hoạch đạt từ khoảng 6 - 10 tấn quả, năm ngoái gia đình tôi thu về gần 500 triệu đồng. Năm nay tuy sản lượng giảm nhưng thương lái thu mua với mức giá cao hơn nên gia đình cũng rất phấn khởi”.

Bắc Giang mùa thu hoạch vải thiều. (Ảnh: TH)

Còn theo chị Phạm Thị Thu ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam chia sẻ, năm nay vải không được mùa so với năm ngoái, nhưng thương lái thu mua giá rất cao, từ đầu vụ tới nay luôn từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; vải thu hái không kịp bán cho thương lái. “Gia đình đã thu hoạch được hơn 3 tấn, số còn lại đã có người đặt mua và sẽ thu hoạch hết trong vài hôm tới”, chị Thu cho biết thêm.

Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong toàn tỉnh đã thu hoạch và tiêu thụ được khoảng gần 140.000 tấn vải các loại. Tổng giá trị thu từ vải thiều và các hoạt động dịch vụ phụ trợ ước đạt hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó thu từ vải thiều ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Kết quả từ chủ trương đúng

Tìm hiểu được biết, vụ vải thiều năm nay, diện tích trồng vải của tỉnh Bắc Giang được duy trì trên 28.000 ha với sản lượng ước đạt 150 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Sản lượng vải thiều chính vụ khoảng 22.000 ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 13.800 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang năm 2019. (Ảnh: TH)

Những năm qua, với quyết tâm nâng cao giá trị kinh tế của cây vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng trái vải thiều và tăng nhận diện thương hiệu “Vải thiều Bắc Giang”. Đặc biệt, năm 2019, lần đầu tiên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã triển khai thí điểm gần 20ha vải thiều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch an toàn. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ được lắp camera giám sát, có nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử, vải thiều hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội, có tiềm năng phát triển rộng rãi. Với việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến đã giúp trái vải Lục Ngạn có giá bán cao gấp từ 3 đến 7 lần những năm trước.

Năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, với yêu cầu vải xuất khẩu vào quốc gia này phải có tem nhãn ghi đầy đủ thông tin như: Tên hàng hóa, nguồn gốc, qui cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng, đồng thời vải phải cắt cuống ngắn không quá 15cm và không được lẫn lá... Nhờ đó, thu nhập của người trồng vải đã không ngừng được tăng lên.

Cây vải thiều đang giúp hàng nghìn nông dân Bắc Giang vươn lên làm giàu
(Ảnh: TH)

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, thực hiện chủ trương đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản trong đó có vải thiều, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều cả ở trong nước và thị trường nước ngoài. Năm 2019, dự kiến sản lượng vải thiều của Bắc Giang tiêu thụ trong nước chiếm 50% và xuất khẩu chiếm 50%. Từ đầu vụ đến nay, vải tươi đã được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ số lượng lớn gồm các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Việc tiêu thụ được thực hiện thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối và các trung tâm thương mại, siêu thị.

Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Vải thiều Bắc Giang”, đến nay vải thiều có xuất xứ từ Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia. Vải thiều cũng đã được xuất khẩu đi 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó chủ yếu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch (chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu) và một số thị trường khó tính như các nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia...

Được biết, để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của cây vải thiều, thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều sang các thị trường tiềm năng; tăng cường xây dựng các liên kết chuỗi với các hộ sản xuất, các hợp tác xã trồng vải; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khâu bảo quản và chế biến quả vải thiều; chú trọng mở rộng diện tích vải thiều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP…

Chỉ còn ít ngày nữa là vụ vải thiều năm 2019 ở Bắc Giang sẽ khép lại. Có thể thấy, cây vải thiều đã thực sự mở ra cơ hội để nhiều gia đình nông dân vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng quê hương Bắc Giang ngày một phát triển./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực