Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân

Thứ bảy, 09/12/2017 15:38
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm hạn chế, ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, thời gian qua, các ngành chức năng của địa phương này đã tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân...

 

Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền pháp luật cho bà con ngư dân (Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo đó, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, các quy định, chính sách và biện pháp xử lý của các nước trong khu vực đối với tàu cá vi phạm, chế độ pháp lý của các vùng biển, các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp đến các chủ tàu cá, thuyền trưởng và thuyền viên tàu cá tại các địa phương trong tỉnh; đồng thời tổ chức ký cam kết 100% chủ tàu cá không đưa tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài, không móc nối đưa tàu cá và thuyền viên xâm phạm ngư trường, vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực...

Nhiều ngành, đơn vị lực lượng vũ trang đã phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức cho thuyền viên, ngư dân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoạt động trên biển, điển hình như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3; Tổng công ty Khí Việt Nam…

Thượng tá Phạm Văn Hòe, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thời gian qua tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy hải sản trái phép có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như vấn đề ngoại giao với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, nội dung tuyên truyền tới ngư dân trên địa bàn tỉnh tập trung vào vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo; Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012; tình hình an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển của Việt Nam thời gian gần đây; Quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề trên biển. Các buổi tuyên truyền giúp cán bộ, ngư dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của việc giữ vững chủ quyền biển đảo; ý nghĩa của việc chấp hành tốt pháp luật trong khai thác, đánh bắt hải sản.

Được biết, ngay từ năm 2015, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai chủ trương không giải quyết đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo, không cấp giấy phép khai thác thủy sản với các tàu khác sang làm nghề lưới kéo (loại phương tiện thường xuyên bị bắt giữ); hạn chế phát triển tàu vỏ gỗ, chỉ giải quyết đóng mới tàu vỏ thép, composite có kích thước, công suất lớn, trang bị hiện đại; bắt buộc các tàu cá khai thác hải sản xa bờ có công suất máy chính từ 90 CV trở lên (kể cả tàu dịch vụ hậu cần thủy sản) phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của pháp luật Việt Nam…; đồng thời, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND về việc tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài đến các sở, ngành, địa phương có nghề biển.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tàu cá, ngư dân của địa phương này  khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài do hiện nay nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, chưa có hiệp định hợp tác đánh bắt hải sản chung trong khu vực để ngư dân có điều kiện hợp tác đánh bắt hải sản; ý thức pháp luật của ngư dân còn hạn chế, nên đã xâm phạm vùng biển các nước khai thác hải sản trái phép; chế tài xử phạt và việc áp dụng chế tài đối với tàu cá vi phạm còn chưa đủ sức răn đe; công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân chấp hành quy định pháp luật còn hạn chế, công tác quản lý đối với tàu đánh bắt xa bờ còn nhiều bất cập; cơ quan chấp pháp của các nước tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát…; được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 73 tàu cá bị bắt giữ cùng 528 thuyền viên.

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện toàn tỉnh có 6.318 tàu đánh bắt hải sản với tổng công suất 1.300CV, hoạt động chủ yếu ở các ngư trường Đông Nam bộ và Trường Sa. Thời gian qua, ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân về việc cấm đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài, nhất là sau khi EU rút thẻ vàng cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam.

Về quản lý, ông Lê Tòng Văn cho biết: “Chi cục Thủy sản tỉnh yêu cầu tất cả tàu cá đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, ghi sổ nhật ký hành trình, đánh bắt. Trong đó, ghi đầy đủ các thông tin về vùng biển đánh bắt, loại ngư lưới cụ đánh bắt, thời gian bỏ lưới, thời gian kéo lưới, mẻ lưới, tên và trọng lượng loại hải sản đánh bắt… Đối với các tàu từng vi phạm vùng đánh bắt, phải cung cấp được đầy đủ giấy tờ, sổ nhật ký và các hồ sơ xác nhận theo tiêu chuẩn châu Âu nếu không sẽ bị cấm biển. Sắp tới, Chi cục Thủy sản tỉnh đề xuất sơn màu tàu cá để thuận tiện trong việc quản lý, đồng thời triển khai thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu”.

Và cũng để thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không để tái diễn trường hợp ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu ra nước ngoài đánh bắt, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sớm phân định ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước trong khu vực để ngư dân an tâm khai thác; đồng thời, đối với các vùng biển chồng lấn, tranh chấp, cần có hiệp định hợp tác đánh bắt hải sản chung để ngư dân có điều kiện hợp tác đánh bắt hải sản. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai đề án khai thác viễn dương, xúc tiến chương trình đưa tàu cá của Việt Nam sang hợp tác, đánh bắt hợp pháp tại vùng biển nước ngoài./.

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực