Sơn La xây dựng thương hiệu cây ăn quả chủ lực

Thứ năm, 12/09/2019 22:56
(ĐCSVN) - Việc mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với phát triển những loại cây chủ lực đã giúp tỉnh Sơn La có bước chuyển dịch lớn về cơ cấu sản xuất; thu nhập và đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng dần được nâng lên.

 

 
Sơn La là tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn nhất cả nước với trên 15.000 ha.

Sơn La nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Bắc, có hai cao nguyên Nà Sản và Mộc Châu, trong lưu vực của sông Đà và sông Mã. Đây là vùng đất có đặc điểm khí hậu cận ôn đới, đất perarit trên nền đá vôi hàm lượng mùn cao để cho ra sản phẩm cây ăn quả thơm, ngon, chất lượng cao có tính đặc sản. Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, năm 2015, Tỉnh ủy Sơn La triển khai thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc”, chuyển dịch diện tích trồng ngô và các cây trồng khác hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng miền đang đem lại hiệu quả tích cực. Theo đó, không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cấp ủy chính quyền các cấp cùng ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La, còn kiên trì thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chọn bộ giống tốt, thực hiện lai tạo, ghép cải tạo vườn tạp để hình thành nên các vùng trồng cây ăn quả có giá trị cao.

Phát biểu tại hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây ăn quả và HTX, tiêu thụ các loại quả và xuất khẩu nông sản 6 tháng năm 2019,  Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Nếu năm 2015, diện tích cây ăn quả mới đạt 23.600 ha thì nay đã đạt 62.734 ha, sản lượng quả từ 101.30 tấn nay đã đạt 401.257 tấn, tăng 4,05 lần. Chỉ riêng diện tích cây nhãn đạt 15.090 ha, gấp hơn ba lần vùng nhãn của tỉnh Hưng Yên. Từ một tỉnh không xuất khẩu được một USD nào từ nông sản, năm 2018, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Sơn La đạt 115 triệu USD sang thị trường 12 nước, trong đó có thị trường khó tính như: Mỹ, Pháp, Australia, UAE… Toàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, độ cao bao gồm: nhãn 15.090 ha, xoài 12.090 ha, cây sơn tra 11.470 ha, cây chanh leo 2.046 ha, cây mận 8.746 ha, thanh long 117 ha, chuối 4.553 ha, cây ăn quả có múi 3.638 ha, cây na 226 ha, cây bơ 1053 ha,…

Việc trồng xoài trên khu vực đất dốc tại nhiều địa phương ở Sơn La đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Để việc phát triển cây ăn quả mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, tỉnh Sơn La đã chú trọng thực hiện tốt các hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản; quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm rau... Năm 2018, quả xoài tròn Yên Châu được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý. Đến nay, Sơn La đã hoàn thành việc xây dựng thương hiệu đối với 18 sản phẩm nông sản, thực phẩm, gồm: chè Shan tuyết Mộc Châu;nếp Mường Và; cá tầm Sơn La; cá sông Đà... Tính đến giữa năm 2019, các loại hoa quả của nông dân Sơn La đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều loại hoa quả chủ lực như nhãn, bơ, mận, xoài... đã được xuất khẩu sang thị trường 15, trong đó có những thị trường “khó tính” như Anh, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 81 triệu USD, trong đó giá trị nông sản xuất khẩu ước đạt trên 78 triệu USD (đạt 55,5% so với kế hoạch năm 2019), trong đó có 16 loại sản phẩm hoa quả được xuất khẩu. Dự kiến, kết thúc năm 2019, giá trị xuất khẩu các loại trái cây của Sơn La sẽ vượt kế mục tiêu 150 triệu USD.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tính đến nay tỉnh Sơn La đang có khoảng hơn 85.000 hộ gia đình, với gần 450.000 nhân khẩu, chiếm trên 35% dân số toàn tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả. Nếu như trước đây, giá trị sản xuất trồng ngô chỉ vào khoảng 5 - 7 triệu đồng/ha thì nay với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất cây ăn quả, giá trị kinh tế người dân Sơn La thu được trên 1 ha có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Điển hình là một số loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo tím và bơ ghép thu 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; na Hoàng hậu ghép tới 1 tỷ đồng/ha... 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây ăn quả và tiêu thụ các sản phẩm từ cây ăn quả ở tỉnh Sơn La  còn một số hạn chế như: Việc mở rộng diện tích có thời điểm còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch cụ thể; vùng nguyên liệu xuất khẩu hiện còn phân tán;giống cây chưa đồng đều, số lượng, diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP) còn thấp so với tổng diện tích; chi phí vận chuyển cao; số đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ chưa nhiều;v.v.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển cây ăn quả, thời gian tới Sơn La sẽ hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể vùng trồng các loại cây ăn quả chủ lực; tăng cường hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, bộ giống cây... Đồng thời, chú trọng mở rộng vùng trồng, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP); đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Sơn La cả ở thị trường nội địa và thị trường quốc tế.

Có thể thấy, với cách làm, bước đi mang tính đột phá, việc phát triển cây ăn quả đã và đang giúp cho người nông dân Sơn La có thêm thu nhập, cuộc sống ngày càng tốt hơn./.

Bài, ảnh: Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực