Để chăn nuôi phát triển bền vững ở Việt Nam

Thứ ba, 27/03/2018 20:50
(ĐCSVN) - Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, trong tình hình mới, phát triển chăn nuôi chất lượng cao, bền vững nhằm góp phần đảm bảo sự tăng trưởng ổn định về kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân đang là vấn đề đặt ra.
Chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại ở Hà Tĩnh (Ảnh: Đ.H)

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi nước ta có tiềm năng và triển vọng để phát triển sản xuất theo hướng chất lượng cao một cách bền vững.  Nhu cầu thực phẩm của thế giới về các sản phẩm có nguồn gốc động vật ngày càng tăng. Hội nhập kinh tế vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi đẩy mạnh tái cơ cấu và thay đổi cách làm để có khả năng tham gia hội nhập và phát triển bền vững. Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI.

Nhìn chung, phát triển chăn nuôi bền vững ở nước ta vẫn là vấn đề khá mới. Theo Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển chăn nuôi bền vững phải được thể hiện trên cả ba phương diện: bền vững về kinh tế, về môi trường và về xã hội. Phát triển chăn nuôi bền vững phải đảm bảo sự tăng trưởng ổn định về kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phải đảm bảo giữ gìn được môi trường sinh thái và phúc lợi cho vật nuôi.

Một số thành tựu của ngành chăn nuôi

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi có bước phát triển vượt bậc. Năm 2016, ngành chăn nuôi nước ta có sự tăng trưởng khá cả về quy mô sản phẩm và giá trị,  góp phần đưa toàn ngành nông nghiệp thoát khỏi tỷ lệ tăng trưởng âm. Tỷ lệ tăng trưởng của toàn ngành chăn nuôi đạt khoảng 5,5 – 6,0%, giá trị sản xuất ước đạt gần 150.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, tổng số bò tăng 2-2,5%, tổng số lợn tăng 3,7 - 4%; tổng số gia cầm  tăng 4,5 - 5%. Sản lượng thức ăn công nghiệp hàng năm tăng trên 10%, đạt hơn 16 triệu tấn vào năm 2016.

Đồng thời với sự gia tăng về chăn nuôi gia trại công nghiệp quy mô lớn,  số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần. Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi năm 2016, giai đoạn 2006-2010, mỗi năm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm khoảng 300.000 – 500.000 hộ, còn từ 2011 trở lại đây mỗi năm giảm tới 700.000 – 800.000 hộ. Hiện, chăn nuôi quy mô lớn, tập trung tăng lên 55% so với 40% trước kia. Từ đó cho thấy, người nông dân bắt đầu đã có tư duy chăn nuôi lớn hơn.

Năm 2017, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, nuôi gia cầm đạt khá, riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa có nhiều chuyển biến, giá thịt lợn ở mức thấp khiến quy mô đàn giảm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 01/10/2017, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con; đàn bò có 5,7 triệu con; đàn lợn có 27,4 triệu con; đàn gia cầm có 385,5 triệu con, tăng 6,6%. Bước sang năm 2018, những tháng đầu năm, ngành chăn nuôi về cơ bản tiếp tục phát triển ổn định, đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Cùng với việc mở rộng quy mô chăn nuôi, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chọn tạo giống, thức ăn chăn nuôi được các doanh nghiệp chăn nuôi chú trọng đầu tư. Hiện nay, năng suất của một số loại vật uôi đã được cải thiện đáng kể. Đàn lợn nái Việt Nam đạt trên 5 triệu con có thể thay thế được thêm số lượng lợn nái hiện có, để có thể đàn nái sản xuất tốt nhất trong nước. Việt Nam đã chủ động gần như được cơ bản giống và công tác thụ tinh nhân tạo bằng 2 cái giải pháp: sản xuất tại chỗ và nhập khẩu; ngành chăn nuôi đang có sự du nhập công nghệ tiên tiến nhất về công tác chăn nuôi.

Người chăn nuôi bắt đầu chú trọng đến an toàn thực phẩm, công cuộc đẩy lùi, nói không với chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi được thực hiện mạnh mẽ trong năm qua đã góp phần nâng cao ý thức của người chăn nuôi; Đồng thời, đã bắt đầu xuất hiện sự liên doanh liên kết mới theo hướng liên kết dọc – tức là liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và thị trường.

Đây chính là nền tảng cho một nền chăn nuôi hiện đại, bền vững tạo ra sản phẩm có chất lượng cao của Việt Nam trong tương lai. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước mà hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia phát triển trên thế giới.

Một số khó khăn, thách thức

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Để ngành phát triển bền vững và có chất lượng cao, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó yêu cầu về chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, chủ động đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước được đặt ra khá cấp thiết.

Khó khăn lớn nhất của ngành là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động. Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, hiện, chăn nuôi Việt Nam đang tồn tại các điểm yếu cần khắc phục: phát triển không bền vững về năng suất, giá cả; chất lượng một số giống vật nuôi thấp; hình thức tổ chức sản xuất còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao. Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, gặp nhiều khó khăn trong xử lý chất thải, dịch bệnh, tình trạng giết mổ thủ công vẫn còn tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi nước ta là giá thành sản xuất cao, do đó phần lớn các sản phẩm chăn nuôi chính của Việt Nam đều có giá cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo Viện Chăn nuôi, giá 1 kg sữa tươi ở Việt Nam là 12.000 đồng, gấp đôi giá của New Zealand; giá thịt lợn hơi ở Việt Nam là 45.000 - 55.000 đồng/kg, gấp hơn 2 lần giá thịt lợn hơi tại Mỹ (chỉ khoảng 25.000-30.000 đồng/kg). Hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 2,5% sản lượng thịt, tự túc 97,5%. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu là 2 nhóm sản phẩm: Phụ phẩm của gà (chân, cánh, đùi) do giá rất rẻ so với sản xuất trong nước chỉ 0,85 USD/kg và thịt bò do sản lượng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Những năm trở lại đây, Việt Nam liên tục nhập khẩu thịt bò từ các nước, chủ yếu của Australia. Giá thịt bò hơi nhập khẩu về Việt Nam chỉ từ 2,4 - 3 USD/kg, trong khi giá sản xuất trong nước là 65.000 - 75.000 đồng/kg.

Ngành chăn nuôi hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào những vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y nên chi phí đầu tư cho sản xuất thường cao. Ước tính mỗi năm, chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá khoảng 3 tỷ USD. So với các nước trong khu vực, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-15%.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm và dịch bệnh. Một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài.

Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt, chủ yếu là giết mổ thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm. Công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch trong lĩnh vực chăn nuôi còn rất yếu kém. Tổng thể cả nước hiện chưa có doanh nghiệp, nhà máy chế biến các sản phẩm thịt, trứng, sữa quy mô lớn. Do đó, chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường kém đa dạng.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của nông dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng, thời gian qua cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ở nước ta hiện nay.

Một trong những bất cập lớn của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra chuỗi liên kết ổn định. Để tiếp cận thị trường, người chăn nuôi vẫn phải qua khâu trung gian. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, thậm chí có những lúc thua lỗ, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, không muốn tăng đàn, dẫn tới giá cả chăn nuôi biến động.

Với những khó khăn trên, cần thiết phải có sự chung tay của cả hệ thống, từ các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, để cải cách hành chính, tháo gỡ thủ tục và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để giúp ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển hiện đại, chất lượng cao, bền vững và tiến kịp các nước có nền chăn nuôi tiên tiến trên thế giới và khu vực.

Triển vọng phát triển chăn nuôi chất lượng cao

Mặc dù, đang còn một số tồn tại và đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngành chăn nuôi nước ta có tiềm năng và triển vọng để phát triển sản xuất theo hướng chất lượng cao.

Nhu cầu thực phẩm của thế giới ngày càng gia tăng. Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tới năm 2050, nhu cầu thế giới về các sản phẩm có nguồn gốc động vật sẽ tăng 70%. Đây là một cơ hội để phát triển kinh tế và giảm nghèo đói tại Việt Nam một khi Chính phủ đưa ra được các chính sách phù hợp và thúc đẩy một hệ thống chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường.

 Hội nhập kinh tế vừa là thách thức nhưng là cơ hội buộc ngành chăn nuôi phải đẩy mạnh tái cơ cấu và thay đổi cách làm để có khả năng tham gia hội nhập và phát triển bền vững. Tham gia hội nhập kinh tế quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI. Cơ quan quản lý chăn nuôi cả ở cấp Trung ương lẫn ở cấp địa phương và toàn bộ các tổ chức, các doanh nghiệp, trang trại và kể cả hộ chăn nuôi đều phải thay đổi tư duy; đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý và phương thức sản xuất để tham gia hội nhập. Hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi nước ta sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới vào ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi công nghệ cao và như vậy, triển vọng cho sự phát triển nghành chăn nuôi chất lượng cao, bền vững là rất lớn, rất thực tế hiện nay.

Hiện nay một số doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi lớn đang ứng dụng quy trình công nghệ tổng hợp và tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, ẩm độ phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng, nện đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi.

Trong những năm gần đây một số doanh nghiệp và tập đoàn trong nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như Tập đoàn TH Milk, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Hùng Vương,… với quy mô chăn nuôi lớn, công nghệ hiện đại với chất lượng sản phẩm cao. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển chăn nuôi chất lượng cao ở nước ta….

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực