Việt Nam tham dự Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ ba, 15/05/2018 17:10
(ĐCSVN) - Từ 12-18/5 đoàn Hải quan Việt Nam do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn dẫn đầu tham dự Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Fiji. Hội nghị có hơn 80 đại biểu đến từ hầu hết các nước thành viên khu vực, đại diện của Tổ chức Hải quan thế giới và các văn phòng WCO khu vực.
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh:H.Q)

Đến dự Hội nghị, Tổng thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới, ông Kunio Mikuriya phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ quan Hải quan trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh thương mại tại khu vực và áp lực tạo thuận lợi thương mại trong khi vẫn phải đảm bảo an ninh, an toàn cho cộng đồng. Tổng thư ký điểm các hoạt động nổi bật đã và đang triển khai của WCO cũng như tình hình thực hiện các sáng kiến và kế hoạch chiến lược của WCO trong năm 2017-2018, trong đó nổi bật là chương trình Mercator, hỗ trợ các thành viên thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO và các nghiên cứu nhằm khuyến nghị các nước thành viên về các hình thức thương mại mới như thương mại điện tử và vấn đề kiểm soát đối với giao dịch tài chính bất hợp pháp cũng như các công cụ mới như Blockchain. Ngoài ra, Tổng thư ký WCO trình bày qua các hoạt động trọng tâm của WCO trong thời gian tới.

Với tư cách là điều phối khu vực về các vấn đề kiểm soát, thông tin tình báo, Văn phòng Liên lạc Tình báo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương báo cáo các hoạt động đã và đang triển khai từ năm 2017 đến nay như: Hoạt động chống buôn bán bất hợp pháp các chất hướng thần mới, Hoạt động chống buôn bán bất hợp pháp ma túy; Hoạt động chống buôn bán bất hợp pháp các loại đạn dược và chất nổ, Dự án chống buôn bán bất hợp pháp ma túy qua đường biển và đường hàng không, Dự án chống vận chuyển trái phép ma túy trên tuyến đường không tập trung vào đối tượng là hành khách xuất nhập cảnh, Dự án chống buôn lậu thuốc lá…

Ngoài ra, Văn phòng xây dựng năng lực khu vực cũng báo cáo kết quả triển khai các hoạt động xây dựng năng lực của khu vực trong năm 2017-2018. Theo đó, các hoạt động của Văn phòng đều nhằm mục đích tăng cường năng lực cho các cơ quan hải quan thành viên thông qua việc tổ chức các đợt đào tạo, hội thảo.

Tại Hội nghị này, các nhà lãnh đạo đã thông qua kế hoạch chiến lược 2018-2020 với 03 trụ cột chính (i) an ninh và tạo thuận lợi thương mại; (ii) kiểm soát và tuân thủ; và (iii) xây dựng năng lực. Kế hoạch chiến lược giai đoạn này đã được cải tiến và rút gọn tập trung vào những nội dung mà các thành viên quan tâm chứ không dàn trải như các giai đoạn trước.

Trụ cột 1: Tăng cường tính cạnh tranh kinh tế thông qua việc triển khai thực hiện các công cụ của WCO và các thỏa thuận liên quan nhằm đảm vào và tạo thuận lợi thương mại quốc tế như: Công ước Kyoto sửa đổi, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO, HS 2017, xác định trước, đo thời gian giải phóng hàng, xuất xứ… và tăng cường hợp tác hiệu quả với các cơ quan kiểm soát biên giới.

Trụ cột 2: Tăng cường hợp tác khu vực và trao đổi thông tin,thông tin tình báo và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến vấn đề kiểm soát thông qua sử dụng và khai thác: thực hiện các chương trình, dự án, chiến dịch về kiểm soát do RILO A/P điều phối. Áp dụng các công cụ và sáng kiến của WCO về kiểm soát hải quan.

Trụ cột 3: Tăng cường hiệu quả khai thác các nguồn lực về xây dựng năng lực thông qua phối hợp giữa các thành viên và các cơ quan tổ chức khu vực để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các thành viên.Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ xây dựng năng lực trọng tâm thông qua việc cung cấp các khóa đào tạo, hội thảo khu vực với sự tài trợ của các Quỹ hợp tác Hải quan Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Nhân Hội nghị này, nước chủ nhà Fiji tổ chức 1 ngày Hội nghị về những giải pháp quản lý biên giới với sự tham gia của khu vực tư nhân như DHL, UPS, Deloitte… trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của những giải pháp và những chuẩn mực có thể áp dụng hiệu quả cho các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các bên liên quan trong việc quản lý, an ninh biên giới và tạo thuận lợi thương mại.

Trong khuôn khổ hợp tác của khu vực, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực trong việc triển khai các hoạt động, chương trình và dự án liên quan đến kiểm soát và cũng được WCO quan tâm trong việc lựa chọn Việt Nam là thành viên được ưu tiên nhận triển khai chương trình Mecator nhằm hỗ trợ thực hiện các cam kết tạo thuận lợi của Hiệp định tạo thuận lợi của WTO.                                           

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực