Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hội nhập và cách mạng 4.0

Thứ ba, 18/09/2018 16:09
(ĐCSVN) - Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như những thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh.

Phát triển văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh

Đây chính là nội dung được trao đổi thẳng thắn trong khuôn khổ Hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh” diễn ra vào ngày 18/9/2018 tại Hà Nội. Hội thảo được diễn ra dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Văn hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cùng các đơn vị liên quan tổ chức.

Đây là Hội thảo lần thứ hai sau hội thảo được tổ chức thành công vào năm 2017 (Ảnh: HNV)

Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra một tiêu đề bằng câu phát biểu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” để qua đó gợi ý cho các đại biểu tham gia Hội thảo cùng nhau trao đổi, thảo luận về văn hóa và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Với câu hỏi “Liệu văn hóa có trở thành yếu tố như bó đuốc soi đường cho giới kinh doanh chúng ta hay không”, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, dù ở quá khứ hay hiện tại và cả tương lai, đều rất cần thiết phải xây dựng, gìn giữ và củng cố văn hóa, đạo đức kinh doanh.

Đa số các đại biểu là các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và văn hóa đã cùng nhau gặp gỡ, thảo luận, đồng thời từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế xã hội, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa và giữ đạo đức trong kinh doanh là bí quyết phát triển bền vững (Ảnh minh họa: HNV)

Đề cập tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, PGS.TS.GVCC Đỗ Minh Cương, Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, các cuộc cách mạng khoa học, cách mạng công nghiệp nào cũng cho nhân loại cả cơ hội phát triển lẫn thách thức, song thực tiễn lịch sử cho thấy phần cơ hội, khả năng phát triển nhiều hơn. Và sự thành công cùng phát triển còn phụ thuộc chủ yếu vào tầm nhìn và quyết tâm thực hiện đổi mới, sáng tạo của các chủ thể, trung tâm là các doanh nghiệp và người dân.

Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, việc xây dựng và quản trị văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam trong tương lai cũng phải được kiến tạo, chuẩn hóa theo các nguyên tắc gồm: tăng cường giao tiếp, tương tác; Minh bạch thông tin; Công nghệ hỗ trợ; Phân quyền ra quyết định. Đặc biệt là phải chú ý tới quan điểm, thái độ và cách tiếp cận về sự đầu tư, phát triển công nghiệp và nền kinh tế 4.0.

Đặc biệt, muốn hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam phát huy được lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững thì cần có trước những con người và định dạng văn hóa tổ chức phù hợp với thời kỳ 4.0. Muốn thực hiện được công việc xây dựng và quản trị văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam, phù hợp với đặc điểm, nguyên tắc của Công nhiệp 4.0, PGS.TS Đỗ Minh Cương cho rằng, cần: nhận thức rõ quản trị văn hóa doanh nghiệp là một phương pháp quản trị doanh nhiệp cơ bản, là nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo trong quản trị văn hóa doanh nghiệp; chú trọng công tác quản trị chiến lược, quản trị sự thay đổi theo các nguyên tắc của Cách mạng 4.0  vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Đức Bình, CEO Công ty cổ phần công nghệ BNC Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh, tôn trọng và trách nhiệm là những tôn chỉ hợp tác của doanh nghiệp. Trong đó, “việc chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt mà không quan tâm đến hình ảnh chính là vết đứt trong sự phát triển, làm sự phát triển đó không bền vững, trái ngược với vẻ bề ngoài của sự thành công trước mắt trong kinh doanh hay hoạt động đối ngoại. Trong doanh nghiệp ngày nay, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào thì xây dựng văn hoá doanh nghiệp đều là nhiệm vụ bắt buộc phải làm nếu muốn phát triển bền vững. Trong đó sự tác động của thương hiệu tới văn hoá là vô cùng to lớn” – ông Bình nói.

Ông Lê Minh Tuấn, Nhà huấn luyện Actioncoach tại Việt Nam, Giám đốc Công ty Teamup thì đưa ra thông điệp: tuân thủ đạo đức kinh doanh cũng chính là tuân thủ giá trị văn hoá doanh nghiệp mà bạn đang theo đuổi. Đồng thời, cần tập trung xây dựng nên giá trị văn hoá cho doanh nghiệp của chính mình, tuân thủ theo những giá trị đạo đức chuẩn mực và doanh nghiệp tự khắc sẽ phát triển bền vững./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực