Thị trường bất động sản phát triển ổn định

Thứ năm, 14/06/2018 18:37
(ĐCSVN) – Hiện nay, thị trường bất động sản đang duy trì đà phát triển ổn định, tính thanh khoản tăng ở hầu hết các phân khúc sản phẩm, các giao dịch đang duy trì ở mức khá.

Thuận lợi và bất cập trong phát triển thị trường bất động sản hiện nay

 

Hà Nội là một trong những thị trường bất động sản sôi động của cả nước (Ảnh: HNV)

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, hiện, cơ cấu hàng hóa bất động sản từng bước được điều chỉnh hợp lý, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường. Mặt bằng giá cả ngày càng ổn định, phù hợp hơn với khả năng chi trả của số đông người dân. Lượng tồn kho bất động sản liên tục giảm. Lĩnh vực đầu tư bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bất động sản đã vượt qua được thời kỳ khó khăn, đang tiếp tục phát triển. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, kinh doanh dịch vụ thương mại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành.

Cũng theo ông Phấn, hiện, thị trường bất động sản vẫn còn một số tồn tại và hạn chế. Biểu hiện cụ thể ở một số điểm gồm:

Một là, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý. Còn dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Nhiều doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhất là phân khúc nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn đang bị hạn chế rất nhiều về mức thu nhập.

Hai là, nguồn vốn đầu tư kinh doanh bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu được huy động từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng và huy động từ khách hàng, nguồn vốn sở hữu của chủ đầu tư còn hạn chế.  

Ba là, tính minh bạch, công khai của thị trường bất động sản còn yếu. Việc triển khai Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản còn rất chậm.

Bốn là, còn thiếu một số công cụ thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê và chống đầu cơ bất động sản.

Phân tích về thị trường hiện nay, ông Phấn cho biết thêm, chúng ta cũng đang triển khai thực hiện một cách nghiêm túc Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Luật Nhà ở 2014. Thực tế, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 06 nghị định, 09 thông tư hướng dẫn. Cùng với pháp luật về đầu tư, về đất đai,... đến nay có thể nói hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản đã đầy đủ, điều chỉnh tương đối đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản.

Đối với một số vấn đề thực tiễn mới phát sinh trong việc đầu tư, kinh doanh và quản lý công trình condotel, officetel, Bộ Xây dựng đã báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh và vận hành dự án có các loại công trình này để tháo gỡ các vướng mắc cho thị trường (Báo cáo số 137/BC-BXD  ngày 27/9/2017).

Đồng thời, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ ngành có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch và tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh các dự án bất động sản, trong đó có loại hình bất động sản này.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang xây dựng Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong Quý II/2018. Đồng thời, Bộ cũng đang tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh và hiệu quả

Thời gian tới, để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Xây dựng đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản nhằm vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường hoạt động như trên đã trình bày;

Thứ hai, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng để bảo đảm cân đối cung - cầu, tránh để tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường bất động sản. Đồng thời yêu cầu các địa phương, trước khi cho phép đầu tư dự án phải đánh giá nhu cầu trung và dài hạn đối với nhà ở cũng như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng; Kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, nhất là các dự án bất động sản cao cấp, các dự án du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp bảo đảm tuân thủ pháp luật, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất đai; Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và có các biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền và bong bóng bất động sản.

Thứ ba, phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, của các địa phương và công khai, minh bạch thị trường bất động sản.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản. Yêu cầu các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án chậm tiến độ, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người dân.

Hà Anh (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực