Nhiều lợi ích từ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN

Thứ hai, 23/07/2018 16:16
(ĐCSVN) – Theo đánh giá của nhiều doanh ngiệp, kể từ khi được triển khai đến nay, hiệu quả bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính.
Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)

Thuận lợi cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp
Chính thức triển khai từ tháng 11 năm 2014, tới nay, đã có 53 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. Bên cạnh việc triển khai tại các cảng biển quốc tế, từ ngày 15/11/2017, Cơ chế một cửa quốc gia đã được triển khai tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước. 
Theo Tổng cục Hải quan, đến 15/7/2018 có 1,34 triệu hồ sơ của 22,8 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. 
Từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Kết quả, đến ngày 15/7/2018, tổng số C/O Việt Nam gửi nhận với 04 nước nêu trên là hơn 48 nghìn C/O. Hiện nay, các nước ASEAN đang tiếp tục triển khai để trao đổi các chứng từ điện tử khác như tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch. Không chỉ dừng lại trong khu vực, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn trong công tác cải cách hành chính.
Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh lợi ích đối với doanh nghiệp, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các cơ quan nhà nước làm quen và dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính;  giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nước nhập khẩu; giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần tăng cường tính  minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần phòng, chống tham nhũng. 
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh: Năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu). Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới. Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 04 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống
Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm 2018, các Bộ, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại. Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Chính phủ, các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng đẩy nhanh việc rà soát, thống nhất thủ tục hành chính; xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN cũng như tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. 
Với vai trò là cơ quan thường trực, bên cạnh việc tập trung nguồn lực xây dựng và nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để kết nối với các Bộ, ngành, Tổng cục Hải quan luôn phối hợp chặt chẽ và làm cầu nối giữa các Bộ, ngành trong việc triển khai các mục tiêu đặt ra tại kế hoạch hành động cũng như có cơ chế giám sát triển khai và báo cáo Ủy ban chỉ đạo 1899.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực