Ngôi nhà Xanh Liên hợp quốc nhận chứng chỉ hạng cao nhất dành cho công trình xây dựng Xanh tại Việt Nam

Thứ hai, 22/05/2017 16:22
(ĐCSVN) – Ngày 22/5, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) trao tặng Ngôi nhà Xanh của Liên hợp quốc (GOUNH) Chứng chỉ LOTUS hạng Bạch Kim, hạng cao nhất trong hệ thống đánh giá dành cho công trình xây dựng Xanh.

Ngôi nhà xanh Liên hợp quốc tại Việt Nam (Ảnh: U.N tại Việt Nam)

Chứng chỉ này là sự ghi nhận việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực thông qua thiết kế sinh thái thông minh và quản lý vận hành Xanh của tòa nhà.

Đánh dấu kỷ niệm hai năm nguyên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon khánh thành Ngôi nhà Xanh của Liên hợp quốc, lễ nhận chứng chỉ được tổ chức tại GOUNH với sự tham dự của các đại diện đến từ Hội đồng công trình Xanh Việt Nam, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao, các bộ ngành liên quan, các đối tác phát triển quốc tế và nhân viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Trước khi được nhận Chứng chỉ LOTUS hạng Bạch Kim, GOUNH là một trong những tòa nhà đầu tiên tại Việt Nam đã được nhận Chứng chỉ LOTUS hạng Vàng từ VGBC.

Chứng chỉ LOTUS hạng Bạch Kim hiện là thứ hạng cao nhất trong hệ thống đánh giá LOTUS của VCBG cho những tòa nhà có thiết kế và thi công Xanh nhất, sử dụng năng lượng tối ưu nhất. Hệ thống xếp hạng LOTUS khuyến khích xây dựng các tòa nhà bền vững với môi trường nhằm mục đích sử dụng hiệu quả tất cả các loại tài nguyên, bảo vệ sức khoẻ và năng suất của người sử dụng, và giảm thiểu tất cả các hình thức làm suy thoái môi trường.

Là một dấu mốc quan trọng của quá trình cải cách LHQ tại Việt Nam và sáng kiến Một LHQ, GOUNH là một minh chứng cho cam kết của LHQ trong “Deliver Green” (tạm dịch là “Hoạt động Xanh”). Tòa nhà đã trở thành một điển hình thành công cho các tòa nhà Xanh bền vững ở Việt Nam, cho thấy tầm quan trọng và cấp bách của ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo dựng môi trường bền vững.

Thúc đẩy giảm nhẹ hậu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu, GOUNH được xây dựng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như sơn không chì và đồ gỗ có hàm lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thấp. Hiệu suất của hệ thống sưởi ấm, làm mát và năng lượng được tối đa hóa thông qua các tấm pin quang điện khai thác năng lượng mặt trời và tạo ra ít nhất 10 phần trăm điện năng tiêu thụ hàng năm của tòa nhà. Ngoài ra, thông qua việc áp dụng Cẩm nang Văn phòng Xanh sáng tạo, nhân viên LHQ đã áp dụng các hành vi thân thiện với môi trường như giảm sử dụng giấy, sử dụng chất dẻo và năng lượng cũng như tham gia giao thông không có carbon.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú LHQ và Chủ tịch Hội đồng Quản trị của GOUNH, đã chúc mừng và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ, các tổ chức LHQ và các đối tác phát triển. Ông Malhotra khẳng định sự sẵn sàng của LHQ trong việc củng cố mối quan hệ đối tác, nhấn mạnh “mục tiêu quan trọng là xây dựng một mô hình xây dựng thể hiện khả năng tồn tại của các tòa nhà bền vững sáng tạo ở Việt Nam.” Ông cho rằng "sự linh hoạt, năng động và tập trung vào các kết quả tích cực vì con người và môi trường là đặc trưng cho các hoạt động hàng ngày của LHQ và giúp đảm bảo rằng nó thực sự bền vững."

Với cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, GOUNH đã giúp và tiếp tục thực hiện Mục tiêu 7 của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang "năng lượng phù hợp, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại. "

Dự án Ngôi Nhà Xanh LHQ là một nỗ lực chung giữa Chính phủ, các nhà tài trợ và LHQ tại Việt Nam. Chính phủ đã đóng góp một địa điểm có giá trị lớn trên đường Kim Mã, Hà Nội và hỗ trợ thông qua các nguồn lực khác. Cùng với sự tham gia đóng góp của các cơ quan LHQ, UNEP, các nhà tài trợ - bao gồm Úc, Phần Lan, Ireland, New Zealand, Na Uy, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh - đã cùng hỗ trợ cho việc cải tạo tòa nhà.

Theo đó, vận hành xanh của GOUNH gồm: Giảm 28.8% năng lượng sử dụng; Giảm 42% việc sử dụng nước thông qua các thiết bị; 94% cấu trúc hiện có là tái sử dụng; 35% tất cả mái nhà là Xanh; 77% diện tích mái và vỉa hè hạn chế hiệu ứng nhiệt hòn đảo; 408 tấm pin mặt trời, tạo ra ít nhất 110.000 kWh/năm; Sử dụng một hệ thống phần mềm thông minh và tập trung để kiểm soát các thiết bị cơ điện, nhiệt và thiết bị cơ khí.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực