Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam ứng phó thiên tai

Thứ sáu, 13/10/2017 16:15
(ĐCSVN) - Theo ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ cao nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đối với hạn hán, bão và lũ lụt, những thiên tai gây thiệt hại lớn cả về kinh tế và con người.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Trong thực tế, Việt Nam được xếp thứ bảy trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất trên thế giới. Trong hai thập kỷ qua, thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người chết và gây ra thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD. Những năm gần đây, tác động của thiên tai, cụ thể là hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, năm 2015-2016 và lũ lụt ở miền Trung năm 2016, rất đáng lo ngại.

Thật không may, rủi ro do thiên tai được dự báo sẽ ngày càng gia tăng. Tương tự như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đối mặt với rủi ro thiên tai và nguy cơ dễ bị tổn thương cao do phát triển đô thị thiếu qui hoạch, sử dụng đất chưa hợp lý và suy thoái môi trường. Hơn nữa, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ làm gia tăng tác động do thiên tai, đặc biệt là về thời gian, tần suất, mức độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thuỷ văn. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có khoảng 5% tài sản của quốc gia được bảo hiểm, và câu hỏi đặt ra là liệu những người dân bị ảnh hưởng và chính phủ có thể chịu được gánh nặng cho phần còn lại khi gặp những trận thiên tai nghiêm trọng hay không. Một báo cáo gần đây cho thấy Việt Nam có thể bị thiệt hại trên 4% GDP trong trường hợp xảy ra một thảm họa thiên tai lớn. Trong 50 năm tới, Việt Nam có 40% nguy cơ có thể xảy ra thiên tai gây ra thiệt hại kinh tế trên mức 141 nghìn tỷ đồng (khoảng 6,7 tỷ USD).

Đã đến lúc phải giải quyết những thách thức này và chuẩn bị sẵn sàng để giảm nguy cơ tổn thương liên quan đến khí hậu của đất nước. Nếu không đầu tư cho khả năng chống chịu thiên tai hôm nay, Việt Nam sẽ bỏ lỡ đi cơ hội tăng cường tiến bộ về xã hội, kinh tế và môi trường và sẽ gây tác động không tốt cho nhiều năm tới. Ngân hàng Thế giới đánh giá cao những nỗ lực to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây nhằm giải quyết những thách thức này. Cụ thể, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể nhằm ứng phó với rủi ro thiên tai khí hậu. Bao gồm việc xây dựng và thực hiện các chính sách, đồng thời thiết lập các khuôn khổ pháp lý cho quản lý rủi ro thiên tai, ví dụ như Chiến lược quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Luật Phòng, chống thiên tai; và Cục phòng, chống thiên tai vừa được thành lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Các quy định này cần phải được thực hiện đầy đủ. Cơ quan mới thành lập cần được hoạt động hiệu quả đúng với chức năng. Và những nỗ lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực xây dựng thể chế cho quản lý rủi ro thiên tai và tài chính cho rủi ro thiên tai, cần phải tiếp tục và củng cố kể cả phía chính phủ cũng như với tất cả các bên liên quan khác.

Ngân hàng Thế giới cam kết giúp Việt Nam duy trì thành công ấn tượng về kinh tế-xã hội trong bối cảnh rủi ro khí hậu đang gia tăng. Để khẳng định cam kết này, Ngân hàng Thế giới cũng thông báo khởi động Dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới về Tăng cường khả năng chống chịu cho nông nghiệp với El Nino-ở khu vực Đông Á, một hoạt động được Quỹ tín dụng đa phương cho ứng phó khủng hoảng giá lương thực hỗ trợ. Qua đây, Ngân hàng Thế giới đang tăng cường mục tiêu hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia thành viên khác chuẩn bị cho các thách thức về khí hậu, hỗ trợ phát triển bền vững và chia sẻ thịnh vượng.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực