Kinh tế 2016 nhiều bất định nhưng vẫn có những tăng trưởng ấn tượng

Thứ ba, 17/01/2017 19:18
(ĐCSVN) – Năm 2016 đã khép lại với nhiều biến động lớn, ẩn chứa nhiều bất định về kinh tế nhưng về cơ bản, vẫn có những tăng trưởng ấn tượng, đáng ghi nhận.

Những điểm sáng nền kinh tế

Đẩy nhanh tốc độ tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa nội địa (Ảnh: HNV)
Năm 2016, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi nhờ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cùng với sự ổn định của ngành nông nghiệp trong Quý 4. Kinh tế tăng trưởng 6,68% trong Quý 4 và 6,21% trong cả năm 2016. Chỉ số VEPI có mức tăng trưởng ấn tượng trong Quý 4, càng khẳng định khuynh hướng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam.

Thêm vào đó, lạm phát cả năm hướng tới mức 5%, khiến Liên bộ Y tế - Tài chính quyết định tạm hoãn điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Chỉ số giá cuối năm tăng 4,74% (yoy) so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài ra, hoạt động của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo, tăng trưởng ổn định. Chỉ số PMI duy trì trên ngưỡng 50 điểm trong cả năm 2016. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 16,2% trong khi số vốn đăng ký tăng 48,1% so với năm 2015. Tuy nhiên, tăng trưởng lao động và số việc làm mới giảm nhẹ so với năm 2015, cho thấy nền kinh tế đang có sự dịch chuyển cơ cấu theo hướng bớt thâm dụng lao động hơn.

Thương mại tăng trưởng nhanh trong Quý 4, chủ yếu nhờ sự phục hồi của giá xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5% trong khi nhập khẩu tăng 16,1%. Thương mại cả năm đạt thặng dư nhẹ.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân cao kỷ lục 15,8 tỷ USD do hiệu ứng kỳ vọng TPP. Tuy nhiên, vốn đăng ký đã bắt đầu giảm trong Quý 4, có thể do tuyên bố từ bỏ TPP của Donald Trump. Dự kiến trong năm 2017, FDI sẽ giảm.

Thâm hụt ngân sách ước tính đạt 5,64% GDP, thấp hơn các năm trước nhưng vẫn vượt xa mục tiêu Quốc hội đặt ra, và vẫn ở mức thâm hụt nghiêm trọng. Cơ cấu nguồn thu thay đổi trong khi tỷ trọng chi thường xuyên không có dấu hiệu giảm.

Thị trường ngoại hối ổn định sau một năm áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm. Trong Quý 4, tỷ giá có những diễn biến phức tạp do thị trường thế giới và một số tin đồn bất lợi. Dự trữ ngoại hối trong năm 2016 tiếp tục tăng, ước đạt 41 tỷ USD vào cuối năm.

Điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2016 được đánh giá là linh hoạt và chặt chẽ. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này. Tăng trưởng cung tiền, tín dụng và huy động vốn đạt kế hoạch do NHNN đặt ra. Sự tái cân bằng giữa huy động – tín dụng đã giúp mặt bằng lãi suất ổn định trong năm.

Giá vàng bộc lộ rõ sự thiếu liên thông với thị trường thế giới trong Quý 4. Giá vàng thế giới giảm sâu sau quyết định tăng lãi suất của Fed trong khi giá vàng trong nước tăng cao do yếu tố tâm lý của người dân trước sự tăng giá đồng USD và các tin đồn bất lợi.

Thị trường bất động sản dần ấm lên so với nửa đầu năm, chỉ số giá bất động sản tăng nhẹ, nguồn cung và số lượng giao dịch đều tăng so với các quý trước. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường còn mong manh do sự bất định về lãi suất trong tương lai.Quý 4 tiếp tục chứng kiến những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, sau nửa đầu năm suy giảm mạnh. Tăng trưởng đạt 6,68%, cao hơn so với mức 6,56% của Quý 3, dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (2014: 6,96%; 2015: 7,01%). Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn chín tháng đầu năm và đạt 2,96% trong Quý 4.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% của năm 2015 và mục tiêu 6,3-6,5% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng Chín. Đặc biệt, suy giảm thấy rõ trong ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng. Khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,72% trong cả năm 2016 và chỉ đóng góp được 0,09 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, tăng trưởng lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước khiến cả khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 1,36%, thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây.

Phân tích của nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia (VEPR) chỉ rõ, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng nhóm ngành này đạt 11,09%, cao hơn so với hai năm trước (2014: 8,45%; 2015: 10,60%). Tuy nhiên, với mức đóng góp lên tới 28,4% trong cơ cấu GDP khu vực công nghiệp, suy giảm ngành khai khoáng đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng khu vực này cũng như tăng trưởng kinh tế chung. Ước tính năm 2016 ngành khai khoáng suy giảm tới 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,33 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) giảm dần so với mức tăng cùng kỳ năm 2015. Tính tới cuối năm, chỉ số này chỉ tăng 7,5%, thấp hơn con số 9,8% cùng kỳ năm 2015. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,2%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, trong khi ngành khai khoáng giảm tới 5,9%. Tuy nhiên, đà suy giảm từ đầu năm đã bắt đầu chững lại trong Quý 4.

Chỉ số tiêu thụ tăng nhẹ trong khi tồn kho ngành chế biến chế tạo những tháng giảm nhẹ. Chỉ số tiêu thụ và tồn kho cộng dồn tới tháng 11 tăng tương ứng 8,4% và 8,1%. Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Index) được VEPR thử nghiệm tính toán và tổng hợp dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa nội địa, tăng trưởng tín dụng và PMI sản xuất.

Kết quả ước lượng cho thấy chỉ số VEPI đang có xu hướng hồi phục nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này càng củng cố cho tín hiệu cải thiện kinh tế trong những tháng gần đây. VEPI Quý 4 đạt 6,53%, cao hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với Quý 3. Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ những tín hiệu tích cực trong nhập khẩu và tăng trưởng tín dụng nhanh trong những tháng cuối năm.

Khu vực doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho nền kinh tế

Khảo sát điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo do Tổng cục Thống kê điều tra cũng cho thấy dấu hiệu tương tự. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 41,2% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý 4 tốt hơn so với quý trước, cao hơn so với mức 38,8% trong Quý 3. Trong đó, các chỉ số thành phần như sản xuất, đơn đặt hàng, tồn kho đều cho thấy dấu hiệu cải thiện.

Bên cạnh đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2016 cũng có nhiều cải thiện đáng kể. Riêng trong Quý 4, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đạt 28,65 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,3% so với Q3 và 8,5% so với cùng kỳ năm 2015. Số việc làm tạo mới trong Quý 4 đạt 339,2 nghìn việc làm, dù giảm so với cùng kỳ năm 2015 nhưng đã tăng tới 19,6% so với Quý 3.

Tính chung cả năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới đạt 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015, với 891,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký, tăng 48,1%. Số vốn đăng ký trung bình trên một doanh nghiệp tăng đáng kể ở mức 27,5% và đạt 8,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù được cải thiện trong Quý 4, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp tiếp tục có xu hướng cắt giảm lao động, đặc biệt trong ngành khai khoáng. Tăng trưởng số lượng lao động tại thời điểm 01/12/2016 chỉ đạt 2,9%, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, lao động trong ngành khai khoáng giảm 6,9%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 1,3%. Tăng trưởng lao động suy giảm trong cả ba khối DN nhà nước, DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng lao động khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI lần lượt đạt 1,8% và 4,9%; giảm tương ứng từ 4,6% và 8,0% năm 2015.

Sự phục hồi mạnh mẽ trong nhập khẩu hàng hóa

Điểm sáng đáng chú ý của nền kinh tế trong nước là sự phục hồi mạnh mẽ trong nhập khẩu hàng hóa. Số liệu ước tính cho thấy nhập khẩu Quý 4 đạt 48,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với Quý 3 và 16,1% so với cùng kỳ năm 2015. Với tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu lên tới trên 90% giá trị nhập khẩu, sự phục hồi này cho thấy rõ sản xuất trong nước đang dần được cải thiện.

Trong khi đó, xuất khẩu cũng đạt được tăng trưởng đáng kể, ở mức 13,5% (yoy) và đạt 47,5 tỷ USD. Nhập khẩu tăng nhanh hơn khiến cán cân thương mại đảo chiều trong Quý 4, từ mức thặng dư 2 tỷ trong quý trước xuống thâm hụt xấp xỉ 1 tỷ USD.

Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu vẫn nằm ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu khu vực này đạt 125,9 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu khu vực trong nước đã có nhiều cải thiện đáng kể, tăng 4,8% (yoy) so với mức giảm 3,5% (yoy) của năm 2015.

Ngược lại, suy giảm trong chín tháng đầu năm khiến kim ngạch nhập khẩu năm 2016 ước tính chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 173,7 tỷ USD (2015: 12%).

Trong đó đáng chú ý là sự suy giảm của một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (tăng 1,8%); điện thoại và linh kiện (giảm 0,3%), phân bón (giảm 22%). Xét theo cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm chủ yếu với 157,9 tỷ USD, chiếm 91,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cần chú ý rằng phục hồi tăng trưởng xuất nhập khẩu chủ yếu dựa vào sự phục hồi giá trên thị trường thế giới. Chỉ số giá xuất nhập khẩu liên tục phục hồi trong năm 2016, dù còn ở mức thấp. Trong Quý 4, chỉ số giá xuất khẩu đã tăng 2,2% (yoy) trong khi chỉ số giá nhập khẩu giảm 1,2% (yoy), cao hơn nhiều so vớicùng kỳ năm 2015.

Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 179,2 tỷ USD, tăng 10,6% nếu loại trừ yếu tố giá. Tuy nhiên, tốc độ tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,9% trong năm 2015. Tương tự, nhập khẩu hàng hóa khi loại trừ yếu tố giá cũng chỉ tăng 10,5%, thấp hơn so với con số 18,9% trong năm 2015. Điều này cho thấy rõ hơn ảnh hưởng của giá cả hàng hóa tới hoạt động thương mại. Giá cả nguyên liệu thấp kích thích tăng trưởng nhập khẩu, và sau đó là hoạt động sản xuất và tăng trưởng trong nước trong năm 2015.

Một điểm đáng chú ý khác trong cán cân thương mại là sự dịch chuyển nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ASEAN sang một số nước khác đã trở nên rõ ràng hơn.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quá trình phát triển. Nếu trước đây, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc do giá cả thấp, thì hiện nay, nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu đi cùng với dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI.

Trong năm 2016, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 28,7% tổng kim ngạch, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2015. Tương tự, nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng giảm 0,3% và đạt 23,7 tỷ USD.

Trong khi đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% (yoy). Một phần điều này có thể được giải thích bởi lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Hàn Quốc ngày một lớn. Tính tới hết ngày 26/12/2016, lượng vốn đăng ký từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 5,52 tỷ USD, chiếm 36,3% tổng vốn đăng ký đầu tư.

Nguồn vốn đầu tư lớn này đòi hỏi một lượng lớn nguyên vật liệu nhập khẩu cho các doanh nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể, tính tới hết tháng 11, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện chiếm 17,7% tổng nhập khẩu từ Hàn Quốc, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 27,5%.

Tiêu dùng vẫn ở mức thấp, đầu tư tăng trưởng chậm

Sản xuất nông nghiệp vẫn đóng góp tích cực vào nền kinh tế (Ảnh minh họa: HNV)
Trái ngược với xu hướng năm 2015, tiêu dùng năm 2016 có cải thiện về giá trị nhưng lại suy giảm về lượng. Dù tăng nhẹ trong Quý 4, tăng trưởng khối lượng bán lẻ tính tới cuối năm cũng chỉ đạt 7,8%, thấp hơn mức 8,4% trong năm 2015. Tuy nhiên, giá cả tăng trong nửa cuối năm đã giúp cho tăng trưởng về giá trị đạt mức 10,2%, cao hơn so với năm 2015, 9,5%.

Tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.527,4 nghìn tỷ đồng cả năm 2016, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.676,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng doanh thu và tăng 10,2% so với năm 2015. Mức tăng này thấp hơn so với mức tăng năm 2015, đặc biệt khi loại trừ yếu tố giá.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng suy giảm trong năm 2016. Tăng trưởng đầu tư khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm dần về cuối năm. Trong Quý 4, đầu tư tại hai khu vực này lần lượt đạt 192,0 và 107,5 nghìn tỷ đồng, bằng tương ứng 104,1% và 98,5% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 11,9%/quý và 16,8%/quý trong năm 2015.

Khu vực nhà nước, ngược lại, có mức tăng trưởng ấn tượng 8,9% trong Quý 4 và đạt 478,2 nghìn tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân giúp vốn đầu tư công tăng mạnh trong những tháng cuối năm là do Vốn đầu tư toàn xã hội (so với cùng kỳ năm trước), 2013-2016 trong Quý 3 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2016.

Tính chung cả năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.485,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 33% GDP và tăng 8,6% so với năm 2015. Trong đó, đầu tư từ khu vực nhà nước vẫn chiếm chủ yếu, với 557,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng 37,5% tổng vốn đầu tư.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng đáng kể trong Quý 4, đặc biệt lượng vốn giải ngân đạt 4,78 tỷ USD, tăng 27% so với Quý 3. Trong năm 2016, vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9,0% so với năm 2015, chủ yếu do lượng vốn đăng ký lớn trong hai năm trước đó.

Tuy nhiên, tính chung cả năm 2016, lượng vốn đăng ký mới lại chỉ đạt 15,2 tỷ USD, bằng 97,5% so với lượng vốn đăng ký năm 2015. Vốn đăng ký cấp bổ sung trong năm 2016 cũng chỉ đạt 5,8 tỷ USD và bằng 80,3% so với năm 2015. Điều này cho thấy những lo ngại của các đối tác nước ngoài khi cân nhắc lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bộc lộ rõ tính dễ tổn thương trước các cú sốc và tuyên bố ngừng TPP của tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Xét theo ngành, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nhóm ngành thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất, chiếm 64,6% tổng vốn đăng ký cấp mới và đạt 9,8 tỷ USD. Tiếp theo đó là hoạt động kinh doanh bất động sản, với 1,5 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, chiếm 10,5% tổng vốn đăng ký. Xét theo đối tác, Hàn Quốc tiếp tục là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với 5,5 tỷ USD và chiếm 36,3% tổng vốn đăng ký.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực