Bộ Giao thông – Vận tải cam kết và triển khai kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ sáu, 23/03/2018 14:40
(ĐCSVN) – Những năm qua, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã triển khai nghiêm túc, kịp thời các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó tập trung cải cách, rút gọn nhiều thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Bộ GTVT từ 2014 đến 2017

Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý vận hành, giao thông, trong đó có đường bộ (Ảnh: HNV)

Từ năm 2014 đến nay, Bộ GTVT đã ban hành 127 Thông tư, trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành 22 Nghị định, 7 Quyết định. Qua đó đã góp phần xây dựng, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, rõ ràng về thủ tục, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thuận lợi hơn trong hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực quản lý ngành giao thông.

Bộ cũng đã thực hiện đầy đủ các nội dung kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC.

Đặc biệt, Bộ thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính tại các văn bản quy phạm pháp luật. Từ năm 2014 đến năm 2017, Bộ GTVT nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, tất cả các phản ánh, kiến nghị đã được Bộ giải quyết kịp thời.

Đáng chú ý, triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông... đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bộ đã chỉ đạo quyết tâm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, công khai, minh bạch TTHC nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC. Đến nay, đã không còn thủ tục nào ở mức độ 1. Năm 2016 và năm 2017 là 2 năm liên tiếp, Bộ GTVT xếp thứ 1 trong số 20 bộ/ngành về chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT Việt Nam -VietNam ICT INDEX công bố tháng 10/2017. Tới đây, Bộ tiếp tục đưa vào 04 dịch vụ công trực tuyến mức 3-4 về lĩnh vực phương tiện giao thông đường sắt, hàng hải và đường bộ. Ngoài ra, Bộ đang triển khai xây dựng hệ thống phần mềm thực hiện các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe cơ giới, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý III năm 2018.

Liên quan tới việc ứng dụng CNTT trong tổ chức điều hành giao thông, thu phí không dừng, giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, hiện, trên toàn quốc đã áp dụng 17 trạm thu phí không dừng. Theo lộ trình để đến cuối năm 2018 thu phí không dừng tất cả các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đến cuối năm 2019 triển khai trên toàn bộ hệ thống quốc lộ.

Bộ còn xem xét, chấp thuận giảm giá theo thẩm quyền cho các phương tiện khu vực trạm thu giá tại 46/51 dự án theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đang đàm phán để xử lý 5 dự án còn lại. Trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về đối tượng và mức giảm, Bộ GTVT đã giảm giá các xe loại 4 và loại 5 (là các xe tải lớn chịu mức phí cao) của 35 dự án; 27 dự án có mức giá đã thấp hơn mức trung bình; 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến nếu giảm giá thì phương án tài chính không khả thi nên nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng chưa đồng ý giảm giá. Bên cạnh đó, hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) cũng được triển khai quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cam kết hành động của Bộ GTVT nhằm cải thiện môi trường kinh doanh

Tăng cường hiệu quả quản lý dịch vụ logictics (Ảnh: P.V)

Thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ từ năm 2014 đến 2017, Bộ GTVT đã nghiêm túc triển khai, ban hành đầy đủ các kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát thực hiện của các đơn vị trong ngành.

Kết quả thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh của Bộ GTVT đã có những chuyển biến tích cực. Thông qua đánh giá Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh; Chỉ số xếp hạng hiệu quả rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật; Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số ứng dụng CNTT của Bộ GTVT đã đạt được sự nhìn nhận, đánh giá tích cực của các tổ chức, Bộ ngành trong thời gian qua.

Tuy nhiên, với nhận thức cải cách hành chính, ứng dụng CNTT và môi trường kinh doanh có liên hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không để tình trạng “trên nóng, dưới chưa nóng ở các cơ quan trong Bộ, cấp cục, cấp chuyên viên…”. Trong năm 2018, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung cơ bản để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, công khai, minh bạch trong lĩnh vực ngành quản lý. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ trên cơ sở Hiến pháp 2013. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, trong đó tăng cường kết nối các phương thức vận tải, ứng dụng KHCN vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, hành khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Tuyên truyền, đẩy mạnh khai thác có hiệu quả Sàn giao dịch vận tải. Hoàn thiện hệ thống biểu phí, lệ phí hàng hải, giá dịch vụ tại cảng biển nhằm giảm sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện giải pháp tăng thị phần vận tải của đội tàu trong nước. Rà soát toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án BOT, kịp thời xử lý các tồn tại, bất cập (nếu có), nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân. Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC)…

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực