Bộ Công Thương đẩy mạnh việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến

Thứ sáu, 24/02/2017 16:37
(ĐCSVN) - Các dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương hiện đã có tính năng ứng dụng chữ ký số để bảo đảm tính bảo mật, tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của việc gửi hồ sơ trực tuyến. Chữ ký số có giá trị tương đương với chữ ký tay và con dấu của người dân, doanh nghiệp.


Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Được biết, tính từ ngày 23/12/2016 đến nay, số lượng hồ sơ được khai trực tuyến thông qua các dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính được thống kê tại phụ lục 1 kèm theo, trong đó có 13 dịch vụ công trực tuyến có hồ sơ, 54 dịch vụ công trực tuyến không có hồ sơ.

Cũng theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, bên cạnh một số dịch vụ công trực tuyến của một số đơn vị như Cục Hóa chất, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đạt tỷ lệ 100% số lượng hồ sơ nộp qua hình thức trực tuyến như: Cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu Vật liệu nổ công nghiệp; Đăng ký thông báo website thương mại điện tử; Cấp phép nhập khẩu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; Cấp phép nhập khẩu tự động xe môtô phân khối lớn; Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ưu đãi; Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép; thì vẫn còn nhiều dịch vụ công trực tuyến không có hồ sơ nộp theo hình thức trực tuyến.

Qua tổng hợp, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin nhận thấy các dịch vụ công trực tuyến chưa có hồ sơ hoặc có ít hồ sơ do một số lý do như không có hồ sơ (bao gồm cả hồ sơ giấy) từ thời điểm đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến; Quy định pháp lý về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; Doanh nghiệp vẫn quen với hình thức dùng văn bản giấy, chưa quen sử dụng nên chưa nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến; Trình độ, kiến thức CNTT của doanh nghiệp còn hạn chế, bên cạnh tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Thời gian chính thức đưa vào sử dụng các dịch vụ công trực tuyến quá ngắn đối với các dịch vụ công trực tuyến xây dựng trong năm 2016 (tuần cuối cùng của năm); Cơ sở hạ tầng CNTT của doanh nghiệp còn chưa đáp ứng được; Thành phần hồ sơ bao gồm nhiều trang, nhiều bản vẽ khổ lớn… nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Hồ sơ gửi cho cơ quan thẩm định, xác nhận bắt buộc phải có nhiều bộ bản cứng kèm theo bản điện tử. 

Đối với việc tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công trực tuyến, đến thời điểm này, đã có 43 dịch vụ công trực tuyến được xây dựng mới năm 2016 theo QĐ 1728 đã tích hợp với Cổng dịch vụ công trực tuyến trên tổng số 67 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có của Bộ. 24 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn lại của Bộ hiện chưa kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến đều là những dịch vụ công triển khai trong các giai đoạn trước đây (từ năm 2015 trở về trước) trên nền tảng công nghệ cũ, việc tích hợp cần phải có thời gian nhất định để có phương án kỹ thuật tốt nhất, tránh gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. 

Trong số này có một số dịch vụ công trực tuyến có số lượng hồ sơ lớn, số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều như: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép; Đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với số lượng doanh nghiệp tham gia lên tới hơn 10.000 doanh nghiệp.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin mong muốn các đơn vị có thủ tục hành chính triển khai theo hình thức dịch vụ công trực tuyến cần phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin lập kế hoạch mời các doanh nghiệp tham gia tập huấn sử dụng đối với từng dịch vụ công cụ thể, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp làm quen và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

 

K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực