Yên Bái nỗ lực phòng chống sạt lở đất và lũ quét

Thứ sáu, 30/03/2018 17:20
(ĐCSVN) - Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc, thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là sạt lở đất và lũ quét. Để giảm thiểu thiệt hại, thời gian qua địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và đạt nhiều kết quả khả quan.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: baogiaothong.vn)


Theo số liệu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trong năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 đợt thiên tai, đặc biệt là hai đợt lũ quét lịch sử xảy ra trong tháng 8 tại huyện Mù Cang Chải và tháng 10 tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Mặc dù tỉnh đã chủ động, quyết liệt từ công tác phòng ngừa, ứng phó, tích cực khắc phục hậu quả nhưng do thiên tai xảy ra bất thường với tần suất cao, cường độ lớn, trên diện rộng nên đã gây ra thiệt hại rất lớn về người, tài sản, hoa màu và các công trình hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội trong vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Cụ thể: Thiên tai đã làm cho 53 người chết và mất tích, 33 người bị thương; hư hỏng 3.649 căn nhà ; thiệt hại 5.547 ha sản xuất nông nghiệp , 23.100 con gia súc, gia cầm; phá hủy trên 500 công trình hạ tầng kỹ thuật ... Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.855 tỷ đồng.

Để chủ động ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, địa phương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác phòng chống thiên tai. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, thông báo, dự báo kịp thời diễn biến bất thường của thời tiết, cũng như cảnh báo các nguy cơ có thể xảy ra do ảnh hưởng của thiên tai; trực tiếp có mặt tại hiện trường nơi xảy ra thiên tai để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả. Nhờ đó, tỉnh đã có những giải pháp thích hợp và kịp thời để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai.

Tập trung thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bao gồm cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp gần dân nhất và là lực lượng đầu tiên tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai. Ước tính trong năm tỉnh đã huy động trên 10 nghìn lượt người và hàng nghìn phương tiện, máy móc, ô tô, xe máy để tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Khi xảy ra thiên tai, đã thực hiện khẩn trương, quyết liệt các biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên: Tìm kiếm cứu nạn, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm; Bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, giữ vững an ninh trật tự tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai; Khôi phục sản xuất trên các diện tích bị ảnh hưởng, hỗ trợ tái định cư, từng bước ổn định đời sống nhân dân; Sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng bị hư hỏng.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, từ việc dự báo, thông báo diễn biến bất thường của thời tiết, cảnh báo nguy cơ, cho đến việc thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai. Do đó, tỉnh đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời và sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành Trung ương và nhận được sự hỗ trợ rất lớn về vật chất và tinh thần của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng chung tay giúp đỡ, hỗ trợ Yên Bái khắc phục hậu quả thiên tai .

Tranh thủ huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai. Trong năm 2017, tỉnh đã huy động các nguồn lực được hơn 400 tỷ đồng, trong đó 240 tỷ đồng (60%) từ nguồn ngân sách Trung ương, 40 tỷ đồng (10%) từ nguồn ngân sách tỉnh và 124 tỷ đồng (30%) từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cá nhân trong và ngoài nước.

Nhìn chung, tỉnh Yên Bái cũng như nhiều tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực có núi cao, chia cắt; hệ thống sông suối có độ dốc lớn, vật cản đa dạng, khi xảy ra mưa lớn thì tạo dòng chảy siết, đột ngột, trong khi diễn biến thời tiết, mưa lũ ngày càng cực đoan, phức tạp. Điều đó, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và khi xảy ra thì rất khó khăn cho việc cơ động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Thiếu thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó phù hợp, nhất là việc di dân khỏi những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai, đặc biệt ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung còn rất hạn chế .

Còn thiếu các phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Thiếu quỹ đất ở an toàn (gắn với quỹ đất sản xuất) và thiếu nguồn lực để tổ chức di dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là tại các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiếu nguồn lực đầu tư khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng do thiên tai.

Để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, các Bộ ngành Trung ương cần sớm hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án nghiên cứu tổng thể thực trạng biến đổi khí hậu, đề ra giải pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trước mắt và lâu dài tại khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Yên Bái. Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo việc nâng cao độ chính xác bản đồ sạt trượt đất đá để phục vụ hiệu  quả công tác chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai.

Đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai cho các lực lượng: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an các tỉnh (xe chuyên dùng, xuồng máy, máy bay không người lái...).

Đẩy nhanh việc thực hiện dự án và bố trí kinh phí di dời dân cư khẩn cấp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 1588/ TTg- NN ngày 16/10/2017 để các địa phương thực hiện việc di dời khẩn cấp người dân khỏi các khu vực nguy hiểm trước mùa mưa lũ năm 2018.

Cân đối nguồn vốn hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai trong năm 2017 khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng, nhất là các công trình kè sông, suối, công trình giao thông, công trình thủy lợi.           Ưu tiên tăng tỷ lệ phân bổ nguồn vốn bảo trì đường bộ cho các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, không phát sinh biên chế; Có cơ chế chính sách đặc thù đối với lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai; Điều chỉnh các quy định, chính sách về hỗ trợ khẩn cấp sau thiên tai đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.     Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thiên tai trên phạm vi toàn quốc; hướng dẫn xây dựng Văn phòng thường trực cấp tỉnh (kết nối họp trực tuyến với Văn phòng Trung ương, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành, xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch công tác năm,…).

 

Đặng Hiếu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực