Ngành lúa gạo An Giang với yêu cầu tái cơ cấu

Thứ tư, 19/04/2017 16:33
(ĐCSVN) - Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), An Giang có thế mạnh trong phát triển ngành hàng lúa gạo. Hiện nay, lúa gạo được xác định là một trong ba ngành hàng chủ lực theo Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh đến năm 2020.

Lúa gạo là ngành hàng chủ lực của tỉnh An Giang (Ảnh: baoangiang.com.vn).

Xuất khẩu gạo đạt ngưỡng 200 triệu USD

Theo UBND tỉnh An Giang, địa phương luôn đảm bảo diện tích sản xuất lúa hàng năm ổn định ở mức khoảng 600 nghìn ha, chiếm trên 90% diện tích trồng trọt. Sản lượng bình quân đạt hơn 4 triệu tấn/năm, năng suất ổn định từ 6,2 - 6,4 tấn/ha, góp phần quan trọng vào giữ vững an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Năm 2016, xuất khẩu gạo đạt 450 nghìn tấn, tương đương 200 triệu USD.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng lúa bằng cách áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đã tăng cường xã hội hóa giống lúa đảm bảo năng lực cung ứng 90% nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong tỉnh; trên 70% diện tích được sử dụng cơ cấu giống lúa chất lượng cao với các giống chủ lực là nếp, Jasmine, các giống OM cao sản.

Trong canh tác lúa, tỉnh đã đạt được nhiều tiến bộ. Riêng quy trình canh tác bền vững “3 giảm, 3 tăng” đạt 556.657 ha; “1 phải, 5 giảm” đạt 310.806 ha, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đạt 2.160 ha, tưới tiết kiệm nước đạt trên 366.349ha. Các mô hình công nghệ sinh thái đạt hơn 2.427 ha, thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt gần 98% diện tích.

Đáng chú ý, các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa, lúa gạo đặc sản đã được hình thành để các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ như: Vùng lúa nếp Phú Tân (22.500 ha), vùng lúa Jasmine Châu Phú (1.150 ha), vùng bảo tồn lúa mùa nổi (100 ha). Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 41.208 ha lúa ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân. Hiện tỉnh cũng đang xem xét xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ đạt 420 ha đến năm 2020.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Dù vậy, theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, ngành hàng lúa gạo của địa phương vẫn còn đứng trước nhiều thách thức trước yêu cầu tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu. Cụ thể, sản xuất lúa gạo của tỉnh tuy ổn định về năng suất, sản lượng nhưng chưa đảm bảo về chất lượng sản phẩm theo các phân khúc thị trường, nhất là đối với dòng gạo chất lượng cao. Năng lực đáp ứng thị trường còn hạn chế do thiếu hệ thống thông tin, liên kết, dự báo tình hình thị trường.

Nông dân chưa quen với phương thức sản xuất có liên kết thị trường. Các liên kết giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp còn ít về quy mô; mối liên kết còn yếu và thiếu bền vững, huy động nội lực của các liên kết còn hạn chế. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị còn đang giai đoạn thí điểm, chưa thể nhân rộng và còn nhiều bất cập trong việc tìm ra phương án hài hòa lợi ích để giải bài toán phá vỡ hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, cơ cấu giống đa dạng trong khi hệ thống thu mua chủ yếu vẫn qua thương lái dẫn đến sản phẩm không đồng nhất, gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu. Công nghệ chế biến chưa thật sự đáp ứng yêu cầu gia công, chế biến sâu sản phẩm lúa gạo cho các phân khúc thị trường, nhất là thị trường gạo cao cấp. Việc sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng chưa thể đẩy mạnh, đồng thời các dịch vụ hậu cần sản xuất, vận chuyển chưa liên tục, còn yếu và thiếu đồng bộ. Ảnh hưởng tiêu cực từ hiện tượng biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết bất lợi như: Hạn hán, xâm nhập mặn đe doạ tới an ninh sản xuất. Nguy cơ mất mùa tăng cao trong khi hạ tầng hệ thống thông tin và năng lực dự đoán, dự báo còn nhiều hạn chế. Đồng thời, các nguy cơ từ biến động thị trường lúa gạo quốc tế, chiến lược phát triển ngành hàng lúa gạo của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường tác động đến tình hình thu mua và xuất khẩu lúa gạo của An Giang.

Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất

Nhằm khắc phục khó khăn, thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh hiệu quả, theo UBND tỉnh An Giang, cần quy hoạch lại vùng sản xuất theo hướng chuyên canh hiện đại và đáp ứng yêu cầu xây dựng thương hiệu gạo. Sử dụng đất lúa linh hoạt, giảm diện tích gieo trồng ở những nơi sản xuất lúa không có lợi thế; có phương án chuyển đổi các diện tích sản xuất không hiệu quả sang đối tượng cây trồng khác. Tăng cường các mô hình xen canh, luân canh, các mô hình canh tác bền vững để cải tạo đất, tăng giá trị sử dụng đất và tạo ra sản phẩm chất lượng.

Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng đáp ứng các điều kiện hình thành chuỗi liên kết - tiêu thụ. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn gắn kết sản xuất với thu mua, chế biến và tiêu thụ lúa gạo. Chú trọng đẩy nhanh việc áp dụng chương trình  “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” tại các vùng này, đồng thời tổ chức tốt hệ thống dịch vụ kỹ thuật và hậu cần trong sản xuất.

Bên cạnh đó, tăng cường củng cố, nâng cao năng lực hợp tác xã và tổ hợp tác tại các vùng quy hoạch; tập trung xây dựng mới các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với nông dân. Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, đồng thời hỗ trợ thực hiện đa dạng hóa các hình thức kinh doanh và dịch vụ của các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ cao được xem là giải pháp quan trọng. Trong đó, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên đầu tư cho các nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn, phục tráng các giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt được thị trường ưa chuộng và có giá trị cao. Từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao để sản xuất các loại giống mới, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các nghiên cứu, xây dựng các mô hình sử dụng phụ phẩm từ cây lúa, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng..../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực