Xây dựng một nền y tế hiện đại, vì dân

Thứ bảy, 27/02/2016 10:33
(ĐCSVN) - Cách đây đúng 61 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế với những lời dạy quý báu. Từ đó, ngày này được coi là ngày tôn vinh các y, bác sĩ, những người đang làm việc trong ngành Y tế - “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

 

Bác sĩ ở huyện vùng cao, biên giới A Lưới (Thừa Thiên - Huế) khám bệnh cho bệnh nhi. (Ảnh: Kha Thoa)


Trong một đời người, ai chẳng có lúc mắc bệnh phải điều trị ở các cơ sở y tế,  trạm xá, bệnh viện. Khi đã vào điều trị, người bệnh và gia đình người bệnh "phó thác tính mệnh của họ" cho thầy thuốc. 

Còn đối với thầy thuốc và nhân viên ngành y tế, người bệnh là đối tượng phục vụ. Do đó mối quan hệ giữa người bệnh và cán bộ y tế có tầm quan trọng đặc biệt. Khi đã vào điều trị, mỗi người có bệnh tình khác nhau, có tâm lý khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, nhưng mọi người có chung một nguyện vọng là sớm phát hiện trúng bệnh và được điều trị chu đáo để mau được ra viện. 

Tuỳ theo mức độ của bệnh tật, tuỳ theo độ tuổi của người bệnh và sức chịu đựng của mỗi người mà biểu hiện tâm lý của người bệnh cũng rất khác nhau.  Do đó, trước hết cần tạo ra được một mối đồng cảm và tình thương yêu giữa thầy thuốc và người bệnh, giữa người bệnh và thầy thuốc. Làm sao để người bệnh khi nằm viện coi như ở nhà. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 2/1955, Bác cǎn dặn: "cán bộ cần phải thương yêu, chǎm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn".

Thấm nhuần tư tưởng đó, 61 năm qua, lời căn dặn của Bác đã trở thành kim chỉ nam và động lực cho đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn. Có được thành tích ấy là kết quả của sự nỗ lực, hy sinh âm thầm của hàng vạn thầy thuốc đang có mặt trên khắp mọi nẻo đường Tổ quốc, từ thành phố tới vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo vì sức khoẻ mỗi người và hạnh phúc mỗi gia đình, góp phần làm nên sức mạnh quốc gia.

Trước trách nhiệm cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, âm thầm cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Nhìn lại chặng đường phát triển 61 năm qua của ngành y tế, những người thầy thuốc luôn lấy lời Bác Hồ dạy "Lương y phải như từ mẫu" làm lẽ sống, làm phương châm hành động nhằm nâng cao y đức, rèn luyện y thuật, phát triển y nghiệp, đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao cho. Những cống hiến của mỗi người thầy thuốc tuy lặng thầm nhưng hết sức to lớn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khỏe, cứu sống người bệnh, giúp toàn ngành đạt nhiều thành tựu quan trọng trong y học dự phòng cũng như công tác khám bệnh, chữa bệnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành y tế đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khả năng đáp ứng chưa theo kịp nhu cầu của người dân; có sự chênh lệch trong thụ hưởng dịch vụ y tế giữa người dân các vùng miền; năng lực sản xuất và cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của nhân dân; một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe… vì vậy, ngành Y tế cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, quan tâm củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao năng lực các trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện, nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, đồng thời đẩy mạnh việc xã hội hóa; khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Nghề y là nghề cao quý, thầy thuốc là những người rất đáng được tôn vinh. Ðể hoàn thành sứ mệnh cao cả đó, đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế cần phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của ngành; nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt những kiến thức mới, hiện đại của y học thế giới và tinh hoa của y học cổ truyền để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. 

Với mỗi người thầy thuốc, muốn tinh thông nghề nghiệp trước hết phải tự mình có ý thức học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức suốt đời để mỗi ngày một giỏi hơn, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề. Ðạo đức ngành y là một phẩm chất cao đẹp của người làm công tác y tế, vì vậy đã là người thầy thuốc thì dù hoàn cảnh nào cũng cần phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức, lối sống để trở thành một người thầy thuốc vừa có tài vừa có đức, xứng đáng với lòng tin của người dân cũng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Lương y phải như từ mẫu".

                                                                   Ngành Y tế đưa nhiều trang thiết bị hiện đại vào để phục vụ người bệnh. (Ảnh: KT)

Ðể nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, chính sách đãi ngộ với người thầy thuốc cần được tǎng cường hơn. Những gì họ được hưởng cũng chính là toàn bộ trách nhiệm đối với sinh mạng con người mà họ được giao phó. Khi thu nhập giúp cho họ đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống thì họ mới có thể toàn tâm toàn ý làm nghĩa vụ "lương y phải như từ mẫu" do Nhà nước giao phó.

Cùng với đó, Nhà nước cũng như các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để có chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở hợp lý và khoa học; khuyến khích, ưu đãi đối với cán bộ y tế, sinh viên các trường đại học y về công tác miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khan; đổi mới cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế công; hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế; chính sách khám, chữa bệnh cho trẻ em, người cao tuổi, người nghèo, các đối tượng chính sách. Xây dựng nền y học Việt Nam tiên tiến, hiện đại và dân tộc, từng bước đưa nền y học nước nhà sánh ngang các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới./.


Kha Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực