Vượt khó nơi biên cương

Thứ sáu, 12/01/2018 11:04
(ĐCSVN) - Đứng chân trên mảnh đất biên cương còn nhiều gian khó, những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBTTH) Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người”...
Một tiết học của cô trò Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Ảnh: TL

Nghĩa Thuận là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Địa bàn trải rộng, dân cư sinh sống thiếu tập trung; giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều; đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn... đã tạo những trở ngại lớn đối với nhiệm vụ giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo ở Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận. Hiện nay, Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận có 7 điểm trường (1 điểm trường chính, 6 điểm trường lẻ), bao gồm 23 lớp với gần 400 học sinh, trong đó có 8 học sinh khuyết tật. Do những khó khăn chung của điều kiện địa bàn biên giới, cơ sở vật chất hiện tại của Trường nhìn chung chưa bảo đảm như thiếu phòng chức năng, một số bàn ghế không đúng quy cách; thiếu phòng công vụ cho giáo viên; trang thiết bị dạy học chưa bảo đảm... Thực tế đó đã phần nào ảnh hưởng đến công tác dạy và học của thầy trò Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận.

Với tinh thần yêu nghề, yêu trẻ, những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận đã nêu cao trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn; không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các trường bạn, thường xuyên đổi mới phương pháp sư phạm, không ngừng nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Theo đó, hàng năm, Ban Giám hiệu Nhà trường đã thường xuyên tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 05/-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ vậy, qua kiểm tra đánh giá, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận đều chấp hành tốt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của địa phương; đa số thầy, cô giáo đều thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, có thái độ lịch sự, tôn trọng trong phục vụ, giao tiếp với nhân dân, với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh.

Song song với đó, bám sát đặc điểm địa bàn, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể để duy trì tốt số học sinh đến lớp. Đặc biệt, tại các điểm trường ở những bản xa trung tâm xã, nhiều thầy, cô giáo đã không quản khó khăn tìm đến từng nhà, động viên phụ huynh cho con em được đến trường. Nhiều giáo viên còn dành một phần trong số tiền lương ít ỏi của mình để mua thêm đồ dùng học tập cho các em học sinh. Chị Vàng Thị Sua ở bản Na Lình, xã Nghĩa Thuận chia sẻ: “Đời sống dân bản còn nghèo lắm, nhiều người không có điều kiện cho con đi học. Cũng nhờ có các cô giáo động viên, giúp đỡ nên bọn nhỏ nhà tôi mới được tiếp tục cắp sách đến trường”.

Cô giáo Lã Thị Phương Thảo chia sẻ về nỗ lực vượt khó ở Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận,

huyện Quản Bạ (Hà Giang). Video: QĐ

Đặc biệt, vượt lên những khó khăn, thiếu thốn của mảnh nơi biên cương Tổ quốc, các thầy giáo, cô giáo ở Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận còn thường xuyên làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Cùng với việc tuyên truyền để phụ huynh quan tâm đến việc học hành của các em học sinh, cán bộ, giáo viên Nhà trường còn động viên cha mẹ học sinh tham gia ủng hộ ngày công, vật liệu để làm rào cho điểm trường chính; san lấp mặt bằng để làm nhà lưu trú cho học sinh; tham gia xây dựng bếp nuôi ăn bán trú... Trong năm học 2016 - 2017, Nhà trường cũng đã tiếp nhận và sử dụng hợp lý nhiều hiện vật như chăn, màn, quần áo, sách vở... trị giá hàng chục triệu đồng do các nhà hảo tâm trao tặng. Cô giáo Lã Thị Phương Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận cho biết: “Thông qua công tác tuyên truyền, đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh học sinh trong việc quan tâm đến các em học sinh; cũng như tham gia phối hợp với Nhà trường cùng chăm sóc, giáo dục và dạy dỗ các em. Nhờ đó, nhìn chung kết quả dạy và học của Nhà trường qua các năm đều được giữ vững và nâng lên. Năm học 2016 - 2017, toàn trường đã có 95,4% số học sinh hoàn thành chương trình lớp học; có 22,8% số học sinh được trao tặng hình thức khen thưởng các cấp”.

Tìm hiểu được biết, một điểm nhấn nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo ở Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận đó là việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình công tác, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường đã thường xuyên nêu cao tinh thần đạo đức nghề nghiệp; tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn... Đến nay, toàn trường đã có 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn theo quy định; trong đó có 85% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ trên chuẩn. Nhiều đồng chí đã thành thạo trong việc sử dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Đồng chí Sèn Thăng Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận là một trong những điểm sáng trong công tác giáo dục của địa phương. Nhờ phát huy tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, yêu trẻ, tập thể cán bộ, giáo viên Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận đã thực sự có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã biên giới Nghĩa Thuận.

Theo chia sẻ của cô giáo Lã Thị Phương Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận, thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý, công tác dạy và học; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học... Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên gắn với tuyên truyền, vận động các bậc cha mẹ học sinh quan tâm, tạo điều kiện cho con em được đến trường.

Có thể nói, vượt lên những khó khăn của mảnh đất biên giới, tập thể cán bộ, giáo viên Trường PTDTBTTH Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã và đang nỗ lực thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người”, góp phần nâng cao nhận thức, phát triển đời sống của đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc./.

Tạ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực