Trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Thứ năm, 21/02/2019 22:54
(ĐCSVN) - Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được xây dựng công phu, về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm, đường lối của Đảng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nội dung chưa rõ ràng, chưa hợp lý hoặc chưa giải quyết được triệt để các hạn chế, bất cập hiện nay của pháp luật giáo dục hiện hành.

Chiều 21/2, tại Phiên họp thứ 31, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Báo cáo tại Phiên họp.
Ảnh: quochoi.vn

Thừa uỷ quyền của Chính phủ, báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhưng có định hướng tập trung vào 11 nhóm vấn đề trọng tâm. Kết quả lấy ý kiến Nhân dân cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân đối với dự thảo Luật, với trên 1 triệu lượt ý kiến góp ý.

Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân ở Trung ương và địa phương. Trong đó tập trung vào một số cơ quan, tổ chức có tính đại diện rộng rãi và liên quan đến giáo dục. Đối tượng được tập trung lấy ý kiến còn bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục; các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, luật sư, luật gia, các cơ quan, tổ chức đang sử dụng nguồn nhân lực là sản phẩm của ngành Giáo dục.

Tổng hợp ý kiến về vấn đề nhà giáo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, khi lấy ý kiến về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo có 2 nhóm ý kiến: Đa số các ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật về nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn, chưa đồng tình với việc nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên trình độ cao đẳng. Chính phủ đồng tình với ý kiến đa số của Nhân dân như nhóm ý kiến thứ nhất.

Về chính sách học bổng (tín dụng sư phạm) cũng có 2 nhóm ý kiến, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật quy định về chế độ tín dụng sư phạm đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Có một số ý kiến đề nghị mở rộng chính sách vay tín dụng đối với sinh viên các ngành khác ngoài ngành sư phạm; hoặc sinh viên học các ngành khác sau khi tốt nghiệp vào ngành sư phạm công tác cũng được hưởng tín dụng sư phạm. Chính phủ đồng ý với ý kiến đa số của Nhân dân như nhóm ý kiến thứ nhất.

Có 2 nhóm ý kiến về việc phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Đa số các ý kiến đề nghị phải bổ sung vào dự thảo Luật quy định về chế độ tuyển dụng đặc thù (so với Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập, nhằm khắc phục bất hợp lý hiện nay. Nhóm ý kiến thứ 2 cho rằng khi chưa sửa Luật Viên chức thì để thu hút được sinh viên giỏi học ngành sư phạm cần sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên phù hợp với ngành Giáo dục. Chính phủ đồng ý với ý kiến đa số của Nhân dân như nhóm ý kiến thứ nhất.

Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, Báo cáo tổng hợp kết quả có 3 nhóm ý kiến. Đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật về thi THPT và bổ sung hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể điều kiện để được cấp và mục đích của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Có ý kiến đề nghị dự thảo Luật không nên quy định cụ thể việc thi tốt nghiệp THPT mà nên giao Bộ GD&ĐT quy định. Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của Nhân dân tại nhóm ý kiến thứ nhất.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực chuẩn bị của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng như tán thành với nhiều nội dung giải trình tiếp thu trong báo cáo của Chính phủ và ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; khẳng định Chính phủ đã lựa chọn đúng các vấn đề trọng tâm để tập trung lấy ý kiến Nhân dân. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề như chính sách tiền lương đối với nhà giáo; vấn đề phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cơ quan phụ trách giáo dục, đào tạo của các địa phương; quy định nhiệm vụ của các Bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục; và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục.

Khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng trong chiều 21/2, phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Với tinh thần làm việc nghiêm túc, phiên họp đầu năm mới Kỷ Hợi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các dự án Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Giáo dục (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Tài chính – Ngân sách hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để sớm ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên họp tháng 3 và tháng 4 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung trong khi thời gian chuẩn bị nội dung cho phiên họp không còn nhiều. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh tình trạng đến phiên họp mà chưa có đầy đủ tài liệu. Các cơ quan trình cần gửi hồ sơ, tài liệu đúng thời hạn quy định để các cơ quan của Quốc hội kịp thời thẩm tra.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ cần sớm cho ý kiến chính thức về các nội dung dự kiến làm việc trong phiên họp tháng 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội tích cực chủ động, theo dõi và đôn đốc tiến độ chuẩn bị các nội dung, tiến hành thẩm tra; Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội kiểm tra rà soát và kịp thời báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh chương trình phiên họp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những nội dung nào không đủ điều kiện về hồ sơ tài liệu, thời gian gửi tài liệu sẽ không được đưa vào chương trình.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ, chuẩn bị nội dung cho các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp vào tháng 5 tới của Quốc hội./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực