Tìm giải pháp phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ ​

Thứ ba, 07/08/2018 15:21
(ĐCSVN) – Nhằm góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, PGS.TS. Trịnh Văn Hạnh, Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam đã triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”.


Khảo sát, điều tra rừng sinh trưởng rừng ngập mặn tại tỉnh Bình Định. Ảnh: NCS Đỗ Quý Mạnh

Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016-2020, được thực hiện từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành năm 2020.

Đề tài được khảo sát tại 7 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ bao gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Với những địa điểm đó, tác giả đề tài và nhóm cộng sự đã tập trung nghiên cứu khảo sát, thu thập các tài liệu liên quan đến diễn biến rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển khu vực Nam Trung Bộ từ năm 2005 đến 2016; thu thập chuỗi số liệu về nhiệt độ, lượng mưa, mức nước biển dâng, độ mặn của khu vực ven biển Nam Trung Bộ từ năm 1986 đến năm 2016; điều tra và phỏng vấn về dân sinh, kinh tế - xã hội của các địa phương có rừng ngập mặn tại khu vực, đặc biệt là vai trò của rừng ngập mặn với sinh kế của người dân; điều tra hiện trạng giống cây ngập mặn tại khu vực: vườn giống, rừng giống...

Theo tác giả đề tài, kết quả nghiên cứu bước đầu về đặc điểm dân cư và nguồn lao động cho thấy các xã có rừng ngập mặn có thu nhập đều phụ thuộc vào khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Trong tổng số 42.143 hộ có 4.290 hộ (chiếm 10,18%) khai thác thủy sản nhỏ lẻ và 1.481 hộ (chiếm 3,51%) hộ nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh ven rừng ngập mặn.

Cùng với đó, kết quả điều tra thực tế tại khu vực ven biển Nam Trung Bộ cho thấy diện tích đất quy hoạch cho trồng rừng ngập mặn là 825 ha. Trong đó, diện tích đất trống ngập mặn là 465 ha, diện tích rừng ngập mặn là 360,49 ha. Về hiện trạng các dạng lập địa ngập mặn khu vực phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ cho thấy diện tích lập địa ngập mặn được chia thành 3 dạng là nhóm lập địa thuận lợi (448,56ha), nhóm lập địa khó khăn (1,12ha) và nhóm lập địa rất khó khăn (297,2ha). Trong đó, tỉnh Bình Định là tỉnh có diện tích lập địa thuận lợi nhiều nhất với 344,89ha, đồng thời cũng là tỉnh có diện tích lập địa rất khó khăn cao nhất, với 297,20ha. Diện tích đất thuộc loại đất ngập mặn có điều kiện khó khăn và rất khó khăn có đặc điểm đất nghèo dinh dưỡng, tỷ lệ % hạt cát trong đất mặn khá cao, đặc điểm đất ngập triều sâu lại bị ảnh hưởng mạnh của chế độ dòng chảy ven bờ.

Theo tác giả đề tài, kết quả nghiên cứu đặc điểm điều kiện tự nhiên khu vực ven biển Nam Trung Bộ cho thấy đặc điểm khí hậu, thời tiết tương đối thuận lợi cho rừng ngập mặn. Bước đầu đã xác định được 21 loài cây ngập mặn thuộc 12 chi và 10 họ thực vật tại khu vực nghiên cứu.

Đánh giá về đề tài, các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, một đặc trưng riêng của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Nam Trung Bộ là hầu hết diện tích rừng ngập mặn được phân bố tại vùng cửa sông như sông Trường Giang, tỉnh Quảng Nam, sông Cà Ninh, tỉnh Quảng Ngãi, vùng đầm như đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, tỉnh Bình Định, đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên, đầm Nha Phu, tỉnh Khánh Hòa, đầm Nại, tỉnh Ninh Thuận, khu vực cửa sông Phan, tỉnh Bình Thuận...

Bởi vậy, những  kết quả nghiên cứu và khảo sát bước đầu của đề tài là cơ sở để phân tích, đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đến rừng ngập mặn, rừng giống, vườn giống cây ngập mặn, giải pháp nhân giống cây ngập mặn, tình hình sâu bệnh hại rừng ngập mặn khu vực ven biển Nam Trung Bộ, là cơ sở khoa học để xây dựng giải pháp khoa học công nghệ nhằm phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực