Thừa Thiên Huế đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin

Thứ bảy, 25/05/2019 10:02
(ĐCSVN) - 100% cơ quan Đảng, cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh, 152 đơn vị thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã kết nối mạng WAN và áp dụng rộng rãi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008, giúp Thừa Thiên Huế thuộc top đầu toàn quốc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Đây là kết quả đáng khích lệ mà tỉnh Thừa Thiên Huế có được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khoá XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Top đầu toàn quốc về sẵn sàng ứng dụng CNTT

Nhìn chung, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nhân, trí thức và nhân dân được nâng lên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 67-KH/TU ngày 29/10/2014 tổ chức quán triệt và thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo CNTT.

Không những triển khai tốt hệ thống hội nghị trực tuyến (đặc biệt là ngành giáo dục - đào tạo), đây còn là một trong số ít địa phương vận hành sớm Cổng dịch vụ công tập trung, thực hiện cấp Thẻ điện tử doanh nghiệp tại thời điểm cấp giấy phép kinh doanh, vận hành Cổng thanh toán trực tuyến tỉnh (đầu tiên trong cả nước) kết nối với hệ thống thông tin của ngân hàng trong thanh toán các loại phí, lệ phí, nộp thuế.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà, 100% các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử, liên thông và cung cấp thống nhất trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, 100% hệ thống mạng tại các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã kết nối mạng truyền số liệu dùng chung, 100% cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm máy tính trong quá trình xử lý dịch vụ công.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh mức độ hiện đại hóa, chuẩn hóa kết cấu hạ tầng CNTT, đảm bảo đồng bộ, liên thông, đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoàn thiện theo mô hình kiến trúc Chính quyền điện tử từ tỉnh đến xã.


Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông giới thiệu hoạt động của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế)

Nhờ đó 100% cơ quan Đảng, cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh, 152 đơn vị thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã kết nối mạng WAN và áp dụng rộng rãi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008, giúp Thừa Thiên Huế thuộc top đầu toàn quốc về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT.

Tới nay, đã hình thành các chương trình, đề án đáp ứng tiêu chí thành phố thông minh trên 05 lĩnh vực: du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, giao thông, tài nguyên và môi trường; đang triển khai giải pháp giám sát đô thị thông minh qua cảm biến camera; triển khai thí điểm mô hình Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh; triển khai các dịch vụ ứng dụng di động cho dịch vụ đô thị thông minh.

Tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực xây dựng, mở rộng mạng cáp quang băng thông rộng đến các xã, phường thị trấn, cơ sở giáo dục; xây dựng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN). Hạ tầng mạng đã được kết nối đến tất cả cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã thông qua mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ (CPNet) và được thiết lập chính sách kết nối Internet tập trung đảm bảo 100% thiết bị được kết nối theo quy định của tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp đã có website giới thiệu sản phẩm. Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh hoạt động từ năm 2018 đang thu hút 54 doanh nghiệp tham gia.

Chủ động, sẵn sàng cho phát triển

Nhằm chuẩn bị cho việc hình thành khu công viên phần mềm tập trung tại tỉnh và tạo nền tảng phát triển công nghiệp CNTT chuyên nghiệp, bền vững, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, nội dung số, tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm CNTT tỉnh hoàn thiện các điều kiện về cơ sơ vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để tham gia Chuỗi công viên phần mềm Quang Trung theo Quyết định 333/QĐ-TTg ngày 03/3/2016.

Không chỉ tích cực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới, phần mềm nguồn mở và phát triển nguồn nhân lực CNTT, tỉnh cũng giới thiệu năng lực, nguồn lực tại các doanh nghiệp CNTT tỉnh cho nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ… thông qua hoạt động của các Sở, ban, ngành và Hội công nghiệp phần mềm Huế.

Riêng giai đoạn 2015 - 2018, đã mở hàng chục lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT cho hơn 6.000 cán bộ; các trường đại học, cao đẳng, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh hàng năm đào tạo trên 1.000 sinh viên, học viên trình độ cử nhân, cao đẳng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 94 đã chỉ đạo các ban, ngành và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình, phát huy sức mạnh tổng hợp, đấu tranh, vô hiệu hóa nhiều hoạt động của các tổ chức phản động; tổ chức đấu tranh với một số trí thức, văn nghệ sĩ có tư tưởng cực đoan, lợi dụng các diễn đàn để truyền bá quan điểm cá nhân phức tạp, viết bài đưa lên mạng đề cập những vấn đề nhạy cảm, không có lợi…; kịp thời phát hiện và tích cực chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động tán phát tài liệu phản động qua mạng Internet.

Hướng tới đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025

Dù đạt nhiều kết quả, song trên thực tế, nhận thức và kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ còn những hạn chế nhất định (nhất là ở cấp cơ sở), việc liên thông dữ liệu tuy đã được triển khai nhưng chưa đồng bộ và triệt để, vẫn còn tình trạng chồng chéo và ràng buộc nhau giữa các hệ thống thông tin của địa phương và Trung ương.

Vẫn tồn tại việc sử dụng hệ thống thư điện tử không đúng mục đích, để đăng ký các dịch vụ công cộng khác, hay liên lạc với hệ thống thư điện tử công cộng…, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như an toàn thông tin.

Việc ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp chưa đồng đều, đa phần các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa ứng dụng nhiều các giải pháp về chữ ký điện tử, giao dịch trực tuyến, hay thương mại điện tử.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng tuy đã được triển khai đến hầu hết các đơn vị Sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố nhưng hiệu quả chưa cao, còn nhiều lỗi kỹ thuật, đường truyền và dung lượng lưu trữ ít.

Không những thiếu số lượng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần, mà số lượng dịch vụ đạt mức độ 3 - 4 còn hạn chế, chưa đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà, nguyên nhân là do nhận thức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác CNTT của một số cấp ủy và chính quyền còn hạn chế; một số cán bộ chưa thực sự xem việc ứng dụng CNTT là nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển nên còn tình trạng đối phó.

Ngân sách phân bổ cho hoạt động CNTT còn thấp, đầu tư dàn trải, chưa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, thiếu sự kết hợp chặt chẽ với quá trình ứng dụng CNTT với cải cách hành chính. Việc huy động nguồn lực cho CNTT chưa được xã hội hoá một cách mạnh mẽ.

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung và những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 36, chú trọng việc xây dựng và hoàn thiện kết nối mạng diện rộng của tỉnh bằng mạng truyền số liệu chuyên dùng CPNet và triển khai Internet tập trung; phát triển dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4; nâng cấp phần mềm dùng chung của tỉnh.

Thực hiện chuyển đổi, tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, tổ chức CNTT công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị quyết TW 6 (khóa XII) và Nghị định 54/2016/NĐ-CP.

Tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh, vô hiệu hóa hoạt động của các tổ chức phản động; đẩy mạnh việc đấu tranh với một số phần tử cực đoan, lợi dụng các diễn đàn để truyền bá quan điểm cá nhân phức tạp, đưa lên mạng những vấn đề nhạy cảm, không có lợi…; thực hiện có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn hoạt động tán phát tài liệu phản động qua mạng Internet.

Phát huy kết quả đã đạt được, lãnh đạo tỉnh đề nghị Trung ương sớm thay thế, sửa đổi, bổ sung Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn Ngân sách trung ương và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước. Cùng với đó ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 để địa phương tổ chức thực hiện; hỗ trợ kết nối, liên thông Cổng dịch vụ công tỉnh với các hệ thống thông tin chuyên ngành của Trung ương. Đặc biệt, hỗ trợ và chọn Thừa Thiên Huế là địa phương triển khai các chương trình, dự án thí điểm thuộc Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực