Thiếu những đánh giá mang tính định lượng trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Thứ tư, 18/04/2018 23:30
(ĐCSVN) – Để quản lý một đô thị thông minh thì cần phải đưa ra được dự báo trong 5, 7, 10 năm tiếp theo, mà muốn dự báo tốt thì cần phải có số liệu tổng hợp, cần cơ sở dữ liệu tích hợp của các ngành. Tuy nhiên, hiện chúng ta hiện đang thiếu những đánh giá định lượng trong lĩnh vực này.

Đó là chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trong Hội nghị “Gặp mặt cộng đồng công nghệ thông tin - viễn thông năm 2018” do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều ngày 18/4.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong nhiều năm qua, ngành Công nghệ thông tin của TP đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để có được những kết quả này là sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với doanh nghiệp công nghệ thông tin bên lề Hội nghị

UBND TP đã phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030” và công bố Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020”. Lãnh đạo TP ghi nhận những đóng góp, hiến kế các giải pháp hữu hiệu của các cá nhân, doanh nghiệp nhất là các giải pháp kỹ thuật như xây dựng Trung tâm dữ liệu nguồn mở, xây dựng Trung tâm an ninh mạng.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, triển lãm, hội chợ để làm sao kết nối doanh nghiệp giới thiệu và phát triển sản phẩm của mình; có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể từng lĩnh vực, từ đó doanh nghiệp phát triển các giải pháp để kết nối, khai thác chung.

TP cũng đang xây dựng chính quyền điện tử, triển khai liên thông văn bản, kết nối hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành từ cấp thành phố xuống đến phường, xã với hơn 2,7 triệu văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan, áp dụng chữ ký điện tử trong trao đổi văn bản điện tử, thư mời họp điện tử thay cho văn bản giấy…

“TP mời gọi các doanh nghiệp, hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông chủ động hiến kế, giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện đề án đô thị thông minh, góp phần nâng cao chỉ số tăng trưởng kinh tế, cải cách hành chính. Các đơn vị chức năng tham mưu cho lãnh đạo TP cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện mở rộng thị trường ứng dụng công nghệ thông tin để các doanh nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP”, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Đức Long (Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam), việc triển khai đô thị thông minh là một quá trình,  để làm được TP cần thống nhất kế hoạch triển khai tổng thể đồng thời cũng phải xác định cụ thể đối với từng dự án để quyết định nên triển khai cái gì trước đảm bảo khoa học, hợp lý và hiệu quả.

Một số đại biểu cho rằng, cần có chính sách đặt hàng, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin; có ngân sách cho việc thu thập xử lý phân tích thông tin vì cơ sở dữ liệu này sẽ hỗ trợ quyết định cho việc hoạch định chính sách, dự báo được tình hình một cách chính xác.

Khi đề cập tới đô thị thông minh, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới việc đảm bảo an toàn thông tin. Theo ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin phía Nam thì một đô thị không thể gọi là thông mình nếu như không đảm bảo an toàn thông tin. Chúng ta không chỉ đầu tư cho trang thiết bị, mà còn phải có năng lực ứng phó.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Ghi nhận các kiến nghị, góp ý của các đơn vị, doanh nghiệp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc gặp gỡ cộng đồng công nghệ thông tin- viễn thông là một sáng kiến tốt và cần được duy trì thường xuyên, những lần tiếp theo chất lượng phải ngày càng tăng lên.

Chia sẻ về đề án đô thị thông minh của Thành phố, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để quản lý một đô thị thông minh thì cần phải đưa ra được dự báo trong 5, 7, 10 năm tiếp theo, mà muốn dự báo tốt thì cần phải có số liệu tổng hợp, cần cơ sở dữ liệu tích hợp của các ngành. "Hiện đang thiếu những đánh giá định lượng trong lĩnh vực này. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hơn nữa, có thể học tập những kinh nghiệm của quốc tế, song chúng ta phải tự làm và phải là sản phẩm của chúng ta để sau này còn nâng cấp. “Chúng ta đang đứng trước những thách thức nhưng tôi tin người Việt Nam sẽ làm được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.

Tin, ảnh: VL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực