Phản biện xã hội Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng

Thứ sáu, 15/06/2018 15:12
(ĐCSVN) - Dự kiến kinh phí thực hiện đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020 của Hà Nội là 4.188 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 1.293 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 891 tỷ đồng và phụ huynh đóng góp 2.004 tỷ đồng.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: LN)

Ngày 15/6, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố “Quy định về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em thành phố Hà Nội. Cũng có thể hiểu đây là cuộc cách mạng về nguồn lực xã hội để cải thiện tầm vóc, thể lực của học sinh Hà Nội, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của Thủ đô trong tương lai.

Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020 của Hà Nội là 4.188 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 1.293 tỷ đồng; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 891 tỷ đồng và phụ huynh đóng góp 2.004 tỷ đồng.

Phản biện tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, Đề án Chương trình Sữa học đường thời điểm này đều rất được tán thành, thống nhất ở mức độ cao, coi đây là đòi hỏi của cả dân tộc, của Thủ đô. Sữa học đường sẽ trực tiếp tham gia vào cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam. Mặt khác, Đề án hợp lòng dân, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của từng gia đình. Hiện nay chỉ có những gia đình có điều kiện mới có sữa cho con uống, còn lại đều khó khăn, nhất là vùng nông thôn. Việc đặt ra chương trình sữa học đường hợp với mong muốn của phụ huynh, học sinh.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng tập trung góp ý, phản biện những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để chương trình thật sự có ý nghĩa khi đi vào cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, kinh tế hiện nay có phát triển nhưng thu nhập và đời sống của nhiều gia đình trẻ, nhất là nông thôn và ven đô khó khăn do ruộng còn rất ít, khó kiếm việc làm, thu nhập thấp nên dù chỉ phải chi 50% tiền sữa vẫn là khó khăn. Qua các cuộc khảo sát, hầu hết các phụ huynh học sinh và nhiều giáo viên đều tha thiết đề nghị thành phố giảm tỷ lệ đóng góp của phụ huynh xuống còn 30%, tăng phần hỗ trợ của ngân sách và của doanh nghiệp cung cấp sữa.

Tuy nhiên, trước nguy cơ về ngộ độc thực phẩm hiện nay, ông Thảo đề nghị trong quá trình thực hiện Đề án, cần có kế hoạch và những yêu cầu cụ thể, chặt chẽ đối với doanh nghiệp cung cấp sữa như: Chất lượng sữa tươi theo đúng tiêu chuẩn, hàm lượng; hương vị phù hợp với lứa tuổi; quy cách đóng gói vừa đảm bảo vệ sinh vừa hấp dẫn về hình thức, thông số chất lượng; phương thức vận chuyển, bảo quản phù hợp…

Các đại biểu góp ý tại Hội nghị. (Ảnh:LN)

Luật sư Lê Gia Ánh, thành viên hội đồng tư vấn MTTQ thành phố Hà Nội kiến nghị, Nghị quyết cần nêu rõ, đây là chương trình tự nguyện. Tuy nhiên, cần tuyên truyền, vận động để phụ huynh, học sinh hưởng ứng, tự nguyện tham gia. Vì vậy, không bắt buộc các học sinh phải thực hiện nếu như có phụ huynh học sinh không đóng góp. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì Đề án cần lưu ý khi đấu thầu đảm bảo chất lượng sữa tươi và nên có thương hiệu riêng cho “sữa học đường” ghi trên hộp sữa.

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, khẩu phần ăn của học sinh đã được nhà trường tính cân đối đảm bảo đủ năng lượng, tỷ lệ các chất theo độ tuổi. Việc cho học sinh uống thêm sữa học đường hàng ngày cần được các cơ sở giáo dục tính toán lại khẩu phần ăn để đảm bảo cung cấp đủ tiêu chuẩn, định lượng, tránh tình trạng tăng tỷ lệ béo phì. Đối với trẻ mẫu giáo, nhiều ý kiến cho rằng, định mức cho trẻ uống mỗi lần một hộp sữa 180ml là nhiều, trẻ chỉ cần uống hộp sữa từ 90 - 110ml là vừa đủ.../.

Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực