Nhà khoa học trẻ tìm cách tạo nhiên liệu sạch thay xăng dầu

Thứ hai, 21/05/2018 20:54
(ĐCSVN) – Thành công với công trình nghiên cứu "Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo hydro của molybdenum sulfide vô định hình", Tiến sĩ Trần Đình Phong, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là một trong 3 nhà khoa học xuất sắc được vinh dự nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
 

Tiến sĩ Trần Đình Phong. Ảnh: Bích Liên

Ngày 18/5, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. Đây là một trong số các sự kiện quan trọng, thiết thực chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5).

Tiến sĩ Trần Đình Phong với nghiên cứu "Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình" lần đầu tiên tìm ra cấu trúc, cơ chế hoạt động của molybden sulfide vô định hình, một xúc tác có thể thay thế cho vật liệu đắt tiền là bạch kim trong phản ứng điều chế nhiên liệu sạch hydro (H2) từ nước. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí số một thế giới về khoa học vật liệu Natural Materials năm 2016.

Nói về thành công của mình, Tiến sĩ Trần Đình Phong chia sẻ: Công trình được lựa chọn trao giải là một nghiên cứu trong chuỗi những nghiên cứu mà tôi và đồng nghiệp đang tiến hành với mục đích chế tạo được một chiếc lá nhân tạo có thể chỉ với năng lượng mặt trời và nước biển tạo ra nhiên liệu sạch H2”.

Theo Tiến sĩ Phong, hiện nay đang có nhiều trung tâm lớn trên thế giới thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực này. Có khá nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong vài năm qua nhưng con đường đi tới công nghệ dùng nhiên liệu H2 thay thế xăng dầu còn rất xa. Công trình của anh là hướng nghiên cứu cơ bản nên không thể ngay lập tức có được kết quả để ứng dụng, nhưng có thể cung cấp hiểu biết nhất định để làm các nghiên cứu tiếp theo.

Hiện Tiến sĩ Phong đã có được phiên bản lá nhân tạo đầu tiên có khả năng sản xuất hydro từ nước biển và năng lượng mặt trời hiệu suất là 3%. Để đạt ngưỡng công nghệ đưa vào sản xuất năng lượng cần ít nhất 10%. "Thời gian tới chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để đáp ứng được yêu cầu 10%. Hy vọng không quá xa sẽ tạo được chiếc lá nhân tạo", tiến sĩ Phong nói.

Năng lượng mặt trời rất phong phú trong tự nhiên, nhưng chỉ có công nghệ như pin mặt trời, làm nước nóng. Còn việc chuyển hydro từ nước biển và năng lượng mặt trời thành nhiên liệu thay xăng dầu hiện có nhóm ở Tokyo và nhiều trung tâm nghiên cứu lớn đi theo hướng nghiên cứu này, nhưng chưa đi đến kết quả cuối cùng. Có một nhóm nghiên cứu đã tạo ra lá nhân tạo hiệu suất 30% nhưng giá quá đắt nên không có khả năng ứng dụng trong công nghiệp. Bởi vấn đề của năng lượng không chỉ là hiệu suất mà còn là giá cả.

Gần đây một số nhóm ở Việt Nam đã có đi theo hướng nghiên cứu này. "Đây là tín hiệu vui vì để đạt được mục đích lớn phải có nhiều người làm cùng, tiếp cận theo nhiều hướng. Rất có thể cách tiếp cận của chúng tôi chưa phải là hoàn hảo. Có thể người khác sẽ học được từ chính thành công và thất bại của nhóm chúng tôi để làm tốt hơn”, Tiến sĩ Phong chân thành chia sẻ.

Sau khi nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Tiến sĩ Trần Đình Phong nói: "Đây là vinh dự quá lớn. Đối với chúng tôi, đây là một giấc mơ đẹp, nó xứng đáng để chúng tôi cố gắng hết mình trong nhiều năm tới", nhà khoa học trẻ chia sẻ.

Nói về kế hoạch sắp tới, nhà khoa học trẻ cho hay, anh sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian cho nghiên cứu để sớm tạo được chiếc lá nhân tạo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Dù biết rằng để đến được bước xây dựng nhà máy sản xuất lá nhân tạo thì con đường còn rất xa. "Chúng tôi sẽ nỗ lực để sớm có kết quả", Tiến sĩ Phong nói.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Đình Phong có giá trị hướng tới giải quyết vấn đề năng lượng, môi trường cho thế giới và Việt Nam một cách bền vững. Để đưa công trình này vào ứng dụng trong công nghiệp ở Việt Nam, cần sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan, tổ chức trong việc đào tạo nhóm nghiên cứu mạnh, nghiên cứu sâu để hoàn thiện hệ thống cả lý thuyết và thực nghiệm ở quy mô thử nghiệm và công nghiệp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận kết quả nghiên cứu để sản xuất nhiên liệu hydro, phát triển hệ thống máy sử dụng nguyên liệu hydro./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực