"Mạnh dạn giải thể, sáp nhập các trường nghề hoạt động kém hiệu quả, không tuyển sinh được"

Thứ tư, 15/08/2018 17:48
(ĐCSVN) – “Với các trường cao đẳng, trung cấp nghề, chúng ta mạnh dạn giải thể, sáp nhập các trường hoạt động kém hiệu quả, không tuyển sinh được. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại là nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, có chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân (Ảnh: HM)

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đưa ra tại cuộc giao lưu trực tuyến “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau” do Báo Dân trí tổ chức chiều ngày 15/8.

Tại giao lưu, giải đáp câu hỏi của bạn đọc về chủ trương sáp nhập, xoá bỏ các trường cao đẳng, trung cấp nghề, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, hiện nay giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng. Trên bình diện chung toàn quốc, quy mô đào tạo nghề tăng cao, mức độ hài lòng của người học và của doanh nghiệp được cải thiện.

Tuy vậy, dạy nghề có cơ hội phát triển khi gắn với cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, nếu như các trường nghề ở các thành phố lớn, các trung tâm du lịch dịch vụ, các khu kinh tế, khu công nghiệp đang khởi sắc, thì các trường nghề tại các địa bàn kinh tế tư nhân chậm triển khai vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Trên tổng số 63 tỉnh thành, còn khoảng hơn chục địa phương có giáo dục nghề nghiệp vẫn còn khó khăn, tập trung chủ yếu tại miền núi phía Bắc, một vài tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Về chủ trương sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh: Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 08 của Chính phủ đã đưa ra các định hướng cơ bản. Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động nhằm giảm đầu mối, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục chồng chéo, dàn trải, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển có hiệu quả sau sắp xếp.

Bên cạnh sắp xếp các cơ sở công lập, Nhà nước khuyến khích phát triển các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài.

Với các trung tâm cấp huyện, sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thành một trung tâm. Tại nhiều huyện nơi nhu cầu học nghề thấp hoặc gần các trường cao đẳng, trung cấp thì không cần tổ chức trung tâm dạy nghề cấp huyện. Tiến tới, các trung tâm cấp huyện trở thành vệ tinh cho các trường cao đẳng, trung cấp.

Với các trường cao đẳng, trung cấp, chúng ta mạnh dạn giải thể, sáp nhập các trường hoạt động kém hiệu quả, không tuyển sinh được. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại là nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, có chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp.

Tại các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, số lượng trường cần được duy trì đủ lớn, đủ quy mô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Nhà nước sẽ lựa chọn ưu tiên đầu tư một số trường trọng điểm. Những trường có khả năng tự chủ thì được tạo cơ chế đẩy nhanh tự chủ thay vì sáp nhập.

Việc gom các trường một cách hành chính mà không đi liền với tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự thì có nguy cơ cao tạo xung đột và làm cản trở sự phát triển của các trường. Trường nghề không nhất thiết phải quy mô lớn, mà cần sự linh hoạt và năng động để cung cứng nhân lực cho doanh nghiệp.

Ngược lại, tại các địa phương khó khăn, nhu cầu nhân lực trong trung hạn trên địa bàn chưa nhiều, thì việc duy trì nhiều trường cao đẳng, trung cấp sẽ tạo áp lực cho ngân sách nhà nước, dẫn đến đầu tư dàn trải. Việc sáp nhập, giải thể các trường là cần thiết.

Thứ trưởng Lê Quân nhận định, quá trình sắp xếp lại sẽ dẫn đến dôi dư nhân lực, tình trạng thừa thiếu cục bộ. Trong ngắn hạn tình trạng thừa nhiều hơn thiếu. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có đề án tái cấu trúc nguồn nhân lực để triển khai đồng bộ công tác tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng lao động, đào tạo lại.../.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực